Trung tâm CDMI đào tạo cho tập đoàn SCG tại Thái Lan
Ngày 24/8/2018, tại In Rayong, Thái Lan, Trung tâm Phát triển Công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng (CDMI), Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng triển khai khóa đào tạo phổ biến, hướng dẫn Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cho cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), tập đoàn SCG Thái Lan.  


Ông Nguyễn Bá Tuân – Giám đốc Trung tâm CDMI


Hai bên phối hợp tổ chức khóa đào tạo này với mục đích hỗ trợ cho các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên (là người nước ngoài) của LSP (SCG Thái Lan) hiểu rõ và nắm vững các quy định về Quản lý chất lượng công trình xây dựng theo tinh thần của Nghị định 46/2015/NĐ-CP, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý chất lượng xây dựng đối với dự án Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn.

 


Ông Nguyễn Việt Sơn – Trưởng phòng Giám định 3 (Cục Giám định)

Tham gia giảng dạy, phổ biến và trao đổi có ông Nguyễn Việt Sơn – Trưởng phòng Giám định 3 và ông Nguyễn Bá Tuân – Giám đốc Trung tâm CDMI, Cục Giám định, Bộ Xây dựng và đông đủ cán bộ, nhân viên của LSP cũng như Tập đoàn SCG Thái Lan.

 


Toàn cảnh lớp học

Ngày 24/2/2018, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam ((Long Sơn Petrochemicals – LSP) với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD đã tổ chức khởi công tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là tổ hợp hoá dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/ năm, có khả năng thay thế các sản phẩm polyolefins đang phải nhập khẩu. Dự án cũng bao gồm các cơ sở hạ tầng khác bên cạnh tổ hợp sản xuất hoá dầu, khu cảng nước sâu.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SCG, cho biết đây là dự án trọng điểm trong chiến lược mở rộng của doanh nghiệp này tại ASEAN mà Việt Nam là trọng tâm. SCG tin rằng dự án sẽ khuyến khích đầu tư dài hạn vào những ngành công nghiệp có liên quan trong chuỗi giá trị, cũng như nâng cao tiêu chuẩn cạnh tranh của sản phẩm, nhờ vậy giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm hoá dầu.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại. Dự án cũng ước tính sẽ góp 60 triệu USD/năm cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động.

Được cấp phép vào tháng 7/2008, tổ hợp hóa dầu Long Sơn có tổng vốn đầu tư là 3,77 tỷ USD, sau tăng lên 4,5 tỷ USD và cuối cùng là 5,4 tỷ USD.

Tại thời điểm năm 2008, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn – một liên danh giữa Tập đoàn SCG (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan thuộc SCG (18%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN (18%) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem (11%). 

Hiện nay, SCG nắm 71% vốn tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) – doanh nghiệp được thành lập để triển khai thực hiện Dự án Tổ hợp Hóa dầu này.

SCG là tập đoàn Thái Lan với lợi nhuận ròng năm 2017 khoảng 55,04 tỷ baht (1,73 tỷ USD), tập trung vào 3 lĩnh vực là xi măng-vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì với hơn 200 công ty con tại Đông Nam Á, trong đó, 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên.

Một trong những thương vụ đình đám tại Việt Nam là mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá gần 5.000 tỷ USD cuối năm 2012.

Theo Trí Thức Trẻ

 

Các tin khác