Giới thiệu

         Yêu cầu liên kết các tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam (Mạng Kiểm định - VN BAC) được hình thành vào tháng 10/2003 xuất phát từ nhu cầu liên kết tập hợp những đơn vị, cá nhân thực hiện công tác kiểm định xây dựng, mục đích là nhằm nâng cao năng lực các chủ thể này, tập hợp sức mạnh phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg ngày 15/06/2005 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng. trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng “…Xây dựng mạng kiểm định độc lập để quản lý chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước.”.


1. Kể từ năm 2004, ở các địa phương, các Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (gọi tắt là trung tâm kiểm định) lần lượt được thành lập và hoạt động như là công cụ của cơ quan công quyền trong quản lý chất lượng công trình. Cho tới nay, hầu hết các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đều đã thành lập các trung tâm kiểm định – đơn vị sự nghiệp công lập để kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Đây cũng là một trong những cơ cấu chính thức thuộc thành phần Sở Xây dựng theo qui định tại Thông tư liên tịch số 20/2008/TTLT-BXD-BNV của Liên bộ Xây dựng và Nội vụ. Từ những bước sơ khai ban đầu, dần dần hoạt động của Mạng Kiểm định đã đi vào nền nếp với những hoạt động thường niên và định kỳ, quy tụ hàng trăm đơn vị, cá nhân thực hiện công tác kiểm định xây dựng. Những hoạt động của Mạng Kiểm định tập trung vào các lĩnh vực: - Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ và kỹ thuật, kỹ năng trong các lĩnh vực kiểm định như: thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị thí nghiệm, giám định, đánh giá và chứng nhận chất lượng CTXD. - Phân loại, phân hạng và phân cấp các tổ chức kiểm định. - Xây dựng kế hoạch hỗ trợ tăng cường năng lực (thiết bị, nhân lực, …) cho các đơn vị thành viên. - Tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm; trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động kiểm định trên tinh thần hợp tác phát triển. - Tham gia biên soạn, xây dựng tiêu chuẩn và góp ý soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực kiểm định. - Thực hiện các nhiệm vụ kiểm định chất lượng công trình khi được các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng yêu cầu. - Thông báo về tình hình chất lượng công trình và các vấn đề còn tồn tại trong hoạt động kiểm định. - Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định, tiến tới công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức kiểm định trên bình diện khu vực và toàn cầu.

2. Hiện trạng và định hướng phát triển Mạng Kiểm định Mạng Kiểm định quy tụ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng và cả các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị thí nghiệm trong phạm vi cả nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có hơn 700 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD), hàng trăm tổ chức hoạt động kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về CLCTXD. Hoạt động thí nghiệm đã được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ thông qua hình thức kiểm tra và công nhận LAS-XD. Tuy nhiên các tổ chức kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về CLCTXD chưa được kiểm soát đầy đủ. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã quy định rõ tất cả các hoạt động này đều phải đáp ứng những yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định. Như vậy việc gia nhập Mạng cũng nhằm mục đích để tập hợp và kiểm soát hoạt động của những đơn vị này ngày một tốt hơn. Số lượng các đơn vị gia nhập Mạng cũng ngày một tăng (Hình 3) Trong số các đơn vị thành viên Mạng Kiểm định, nhiều thành viên là những đơn vị hàng đầu trong Ngành Xây dựng hoạt động trong lĩnh vực kiểm định như: Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST), Công ty cổ phần Tư vấn Công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO), Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (SCQC), Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội, Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ V và một số các trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng địa phương như Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk …. Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện nay hoạt động kiểm định vẫn còn một số hạn chế như sau: - Số lượng các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp về CLCTXD rất nhiều nhưng tính chuyên nghiệp cũng như năng lực chưa cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. - Hoạt động kiểm định mới chỉ tập trung vào các phép thử đơn giản thông thường, ít có những thiết bị và phương pháp kiểm định tiên tiến cho phép đánh giá sâu hơn về chất lượng công trình, đặc biệt là các phương pháp không phá hủy và xác định chất lượng kết cấu. - Các đơn vị hoạt động kiểm định không có sự liên kết chặt chẽ với nhau, đồng thời chủ đầu tư và các nhà thầu cũng không có thông tin đầy đủ về các đơn vị này. - Chưa có sự thừa nhận lẫn nhau trên bình diện quốc tế. Để vượt qua được những thách thức và nắm bắt được những cơ hội, Mạng Kiểm định cần thực hiện được những công việc như sau: Tăng cường năng lực cho thành viên Mạng Kiểm định Việc nâng cao năng lực cho các tổ chức kiểm định xây dựng cần được thực hiện một cách định hướng, theo qui hoạch, không chỉ về số lượng mà cần đầu tư có chiều sâu, đầu tư cả thiết bị lẫn đào tạo nghiệp vụ. Việc đầu tư, tăng cường trang thiết bị có thể được tiến hành theo nhiều hướng: sử dụng nguồn vốn tự có của đơn vị mua sắm những thiết bị phổ thông, liên doanh – liên kết giữa một số đơn vị để đầu tư mua sắm những thiết bị công nghệ cao hoặc đối với những thiết bị có tính chất đặc chủng, có thể nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua đề án tăng cường năng lực kiểm định do Cục Giám định Nhà nước – Cơ quan điều hành Mạng đang soạn thảo. Việc nâng cao trình độ của từng cá nhân trong đơn vị nên tiến hành thông qua các khóa đào tạo/tập huấn về văn bản pháp luật, chuyên môn/nghiệp vụ để từng bước nâng cao trình độ, góp phần đầu tư cho nguồn nhân lực của từng đơn vị. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Để thực hiện công việc một cách có hiệu quả, cần thực hiện xã hội hóa trong việc xây dựng tiêu chuẩn. Công việc này đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên Mạng. Từ thực tế hoạt động, các thành viên Mạng cần có phản hồi với cơ quan quản lý về những điều chỉnh bổ sung đối với các tiêu chuẩn đã có, đề xuất việc biên soạn những tiêu chuẩn mới nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của Ngành Xây dựng. Với một hệ thống tiêu chuẩn ngày càng hoàn thiện, lĩnh vực thí nghiệm phục vụ hoạt động xây dựng sẽ được đa dạng hóa. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp về CLXD Để thực hiện tốt công tác này, cần thực hiện tốt những công việc sau đây: - Xây dựng và ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về điều kiện năng lực của các thành viên Mạng - Kiểm soát thông tin về các tổ chức này - Thực hiện tốt công tác hậu kiểm và có chế tài cụ thể để xử lý những vi phạm liên quan tới hoạt động của các thành viên. Việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước cũng giúp ngăn ngừa những hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo ra môi trường hoạt động công bằng và ổn định đối với các tổ chức. Tăng cường kết nối thông tin và hội nhập quốc tế Với mục đích mở rộng thêm các kênh thông tin, cần áp dụng những công nghệ thông tin hiện đại (internet, đường truyền tốc độ cao v.v…) để hỗ trợ tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các thành viên Mạng, giữa các thành viên với nhau và với cộng đồng xã hội. Hiện nay, trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://www.kiemdinhxaydung.gov.vn đã chính thức đi vào hoạt động. Phần cốt lõi của website là hệ thống cơ sở dữ liệu về các đơn vị thành viên trong Mạng, các đơn vị khác liên quan tham gia các hoạt động về kiểm định/giám định, thí nghiệm, đào tạo nghiệp vụ kiểm định, chứng nhận sự phù hợp, hiệu chuẩn thiết bị thí nghiệm, cung cấp vật tư thiết bị thí nghiệm v.v… Cơ sở dữ liệu sẽ luôn được cập nhật bổ sung những thông tin mới nhất về hoạt động Mạng, các đơn vị thành viên, văn bản qui phạm pháp luật, tiêu chuẩn …. Việc hội nhập quốc tế cần đẩy mạnh trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ với các tổ chức có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Cơ quan điều hành Mạng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) đã triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực quản lý chất lượng xây dựng”. Tuy nhiên, để hội nhập có hiệu quả cần có sự tham gia tích cực của cả các đơn vị thành viên. Thực hiện được những định hướng đã nêu, hoạt động của Mạng Kiểm định không chỉ tạo lập được uy tín trên phạm vi quốc gia mà còn cả trên phạm vi khu vực và dần tiến tới phạm vi quốc tế. 

3. Kết luận Việc hình thành Mạng Kiểm định là hoàn toàn đúng đắn, vai trò của Mạng Kiểm định ngày càng quan trọng thông qua những đóng góp tích cực của các thành viên trong hoạt động xây dựng nói chung và công tác kiểm định xây dựng nói riêng. Nhiều công trình xây dựng có qui mô lớn, áp dụng những công nghệ tiên tiến được xây dựng trên đất nước ta. Vì vậy, yêu cầu hoạt động của Mạng Kiểm định cần có những thay đổi đột phá cả về lượng và chất là một yêu cầu bắt buộc. Để đáp ứng yêu cầu đó, Mạng Kiểm định và từng thành viên cũng phải tự thay đổi và làm mới bản thân về cả hình thức và nội dung hoạt động. Thông qua những thay đổi này, Mạng Kiểm định mới có thể tự khẳng định sự cần thiết của bản thân để góp phần đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Việc đổi mới cả về hình thức và nội dung hoạt động theo những định hướng nêu trên là hết sức cần thiết, đảm bảo khả năng hội nhập với khu vực và quốc tế về kiểm định xây dựng, tạo sức hút đối với những đơn vị còn chưa gia nhập. Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, những đóng góp của các tổ chức thành viên Mạng Kiểm định đã được cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng xã hội ghi nhận. Trong những năm tới đây, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nắm chắc những cơ hội thuận lợi để Mạng Kiểm định phát triển theo những định hướng nêu trên, đảm bảo một sự phát triển lâu dài và bền vững. 


 

TS. Lê Quang Hùng 

Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng