Báo cáo tóm tắt Thuyết minh Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện đơn vị tư vấn – Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, cho biết: Tỉnh Lâm Đồng nằm ở Nam Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 800 – 1000m so với mặt nước biển, gắn với khu vực kinh tế động lực phía Nam, có hệ thống đường giao thông phát triển mạnh mẽ, với nhiều tuyến quốc lộ (QL20, QL27, QL28) nối liền với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhờ đó, Lâm Đồng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực. Cảng hàng không Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 30km đang được nâng cấp thành sân bay quốc tế hứa hẹn mang lại nhiều động lực phát triển cho tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, việc lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 là đặc biệt cần thiết nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và với cả nước; tăng cường kết nối Lâm Đồng với các vùng kinh tế lớn ở trong nước và khu vực; đáp ứng yêu cầu tích hợp các quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 còn tạo điều kiện để Lâm Đồng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh phát triển của khu vực và quốc gia, cụ thể hóa định hướng các quy hoạch xây dựng của vùng Tây Nguyên, giải quyết các thách thức về phát triển không gian vùng; tăng cường tính liên kết vùng và nâng cao công tác quản lý kiểm soát phát triển vùng; ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thu hút đầu tư phát triển Lâm Đồng.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích 9.783,34 km2, dân số khoảng 1,285 triệu người.
Đồ án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên, có hệ thống hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; trở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch văn hóa – di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia, quốc tế; phát triển đô thị và nông thôn Lâm Đồng theo hướng tăng trưởng xanh, phù hợp với xu thế hội nhập, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các không gian đô thị, làng đô thị xanh, không gian du lịch, không gian sản xuất nông nghiệp hài hòa với bảo tồn đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên; phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp quốc gia để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Tây Nguyên; đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng.
Đồ án đưa ra định hướng phân bố hệ thống đô thị và phân cấp đô thị tỉnh Lâm Đồng: Đến năm 2025, toàn tỉnh có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I; 1 đô thị loại II; 6 đô thị loại IV; 10 đô thị loại V. Đến năm 2035, toàn tỉnh có có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I; 1 đô thị loại II; 2 đô thị loại III; 6 đô thị loại IV; 8 đô thị loại V, đồng thời phát triển 2 thị tứ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (Lộc Phú, huyện Bảo Lâm và Tân Hà, huyện Lâm Hà).
Đồ án cũng đưa ra định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn tập trung, phát huy thế mạnh của từng vùng để phát triển mô hình kinh tế nông thôn khác nhau của từng khu vực ở Lâm Đồng, đồng thời phát triển mô hình khu dân cư ngoại thị (ở các thành phố, thị xã) gồm 3 loại hình: Mô hình dân cư nông nghiệp, mô hình dân cư lâm nghiệp, mô hình kinh tế trang trại nông nghiệp.
Sau khi nghe đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã đưa ra những nhận xét, góp ý giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo.
Theo chuyên gia phản biện PGS.TS Đỗ Tú Lan, Báo cáo thuyết minh đã thể hiện đủ nội dung cần thiết, dữ liệu hiện trạng khá đầy đủ và được tổng hợp theo từng lĩnh vực, xác định mục tiêu, tính chất của từng vùng từ đó phân tích, dự báo chỉ tiêu phát triển, lựa chọn một số mô hình phát triển và đưa ra các định hướng phân vùng không gian, có định hướng về hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược. Tuy nhiên, Đồ án cũng có những tồn tại, hạn chế cần xem xét, hoàn thiện, đặc biệt là những dự báo về dân số, sử dụng đất, tỷ lệ đô thị hóa.
Theo TS Trần Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) – chuyên gia phản biện, đơn vị tư vấn cần phân tích định hướng phát triển kinh tế xã hội vùng tỉnh Lâm Đồng, đồng thời xem xét bổ sung các tuyến giao thông du lịch nội tỉnh và liên vùng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá đơn vị tư vấn đã thực hiện đầy đủ những yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có phân tích bối cảnh quan hệ nội, ngoại vùng tác động lên vùng tỉnh Lâm Đồng, nội dung hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chỉ đạo, trên cơ sở dự liệu về hiện trạng đã thu thập được, đơn vị tư vấn cần tiến hành phân tích, đánh giá đầy đủ hơn để Đồ án tăng thêm tính thuyết phục, đồng thời bổ sung thêm các nội dung về quy hoạch phát triển khu vực nông thôn của Lâm Đồng, các nội dung về phát triển làng đô thị, huyện nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở Lâm Đồng, đồng thời chú ý các vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chương trình cung cấp nước sạch nông thôn.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Đồ án, sớm trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.