Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, hàng năm gây ra những thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Ban Chỉ đạo đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống thiên tai cũng như chủ động, tích cực triển khai các phương án ứng phó thiên tai; kiểm soát tốt các thông số tiêu chuẩn xây dựng; tăng cường trang bị kiến thức, chú trọng xây dựng các phương án phòng chống các loại hình thiên tai không phổ biến cũng như nâng cao năng lực nhận thức cho cộng đồng về nguy cơ rủi ro thiên tai; quá trình phát triển các đô thị thuộc các không gian ven biển.
Bộ Xây dựng đã giao cho các Vụ chức năng soát xét, sửa đổi bổ sung, ban hành mới các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về xây dựng có liên quan đến các yêu cầu về phòng chống thiên tai (PCTT). Đồng thời tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung, ban hành các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn trong các lĩnh vực của Ngành nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là đối với những địa phương vùng duyên hải, các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lụt; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật xây dựng để phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); đồng thời chỉ đạo nghiên cứu các thiết kế điển hình mẫu nhà ở nông thôn phù hợp với các vùng miền, đặc điểm sinh thái, loại hình sản xuất, quy mô ở của từng nhóm hộ, của từng vùng cho các địa phương, ưu tiên trước vùng bị ảnh hưởng nhiều về thiên tai.
Năm 2017, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng đã góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; góp ý dự thảo Nghị định Chính phủ về tổ chức, hoạt động ứng phó, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - do Bộ Quốc phòng chủ trì; Kế hoạch công tác năm 2017 của Ủy ban Quốc gia kiếm cứu nạn; Kế hoạch pháp điển đề mục Phòng, chống thiên tai; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Báo cáo phục vụ Hội nghị Phòng, chống thiên tai các tỉnh miền núi.
Cũng trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã cung cấp thông tin, số liệu phục vụ xây dựng chương trình tổng thể PCTT khu vực miền Trung, Tây Nguyên; tham gia thẩm định Kế hoạch thực hiện ứng phó tình huống cơ bản cấp Quốc gia sự cố sập đổ hầm lò do Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì; báo cáo về “Nhà ở an toàn cho người dân khu vực thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất cho người dân miền núi phía Bắc” phục vụ Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó với lũ, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc; góp ý dự thảo Quyết định ban hành Quy định về quản lý, phát hành và cấp cờ hiệu, biển xe ưu tiên đối với phương tiện làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ngoài ra, còn báo cáo các nội dung phòng, chống thiên tai liên quan đến ngành Xây dựng phục vụ Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 10 năm 2017…
Đặc biệt, để chủ động PCTT trong năm 2017, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn công tác (gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng: Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng; Cục Phát triển đô thị; Cục Hạ tầng Kỹ thuật; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) thực hiện kiểm tra tại 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (03 địa phương do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phân giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng). Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra công tác PCTT tại các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng nằm trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An. Cụ thể là: Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng, Trường Cao đẳng nghề Xây dựng Quảng Ninh, Trường Trung cấp Xây dựng Vinh.
Qua thực tế công tác phòng chống lụt bão năm 2017, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể: Diễn biến mưa lũ lớn, bất thường phía thượng nguồn đã gây ra lũ ống, lũ quét kèm theo khối lượng bùn, đá có kích thước lớn làm hư hỏng và tàn phá các công trình nhà cửa khi đi qua; chưa hoàn thiện việc nghiên cứu lập quy hoạch phân vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống ứng với tần suất mưa lũ trên các khu vực thuộc địa bàn quản lý; các khu dân cư, công trình xã hội đa số được xây dựng tự phát, không trên cơ sở quy hoạch được nghiên cứu kỹ về điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, tránh những khu vực bất lợi, có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống mỗi khi có mưa lớn; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước chưa đảm bảo phân vùng thoát nước khi cường độ mưa lớn.
Theo đề nghị của UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Xây dựng đã giao Cục Giám định và các chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý, chỉnh trị dòng chảy suối Thia (đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ). Trong đó giải pháp xử lý gia cố bảo vệ chân mái kè đã được tư vấn thiết kế, các cơ quan chuyên môn địa phương tiếp thu tổ chức xây dựng. Qua các đợt mưa lũ, đặc biệt là trận lũ xảy ra ngày 11/10/2017, công trình đã phát huy tác dụng tốt, ổn định dòng chảy đã được chỉnh trị theo yêu cầu.
Đối với lũ quét tại Sơn La, Yên Bái (đêm ngày 02, rạng sáng ngày 03/8/2017), đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã đến hỗ trợ đồng bào vùng lũ, kiểm tra hiện trường, thăm hỏi và làm việc với các tỉnh Sơn La, Yên Bái (tham gia Đoàn công tác còn có các chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về địa chất, thủy văn, thủy công). Sau chuyến đi, Bộ Xây dựng đã ban hành các Văn bản số 17/BXD-GĐ ngày 11/8/2017 và số 293/TB-BXD ngày 31/8/2017 về việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Sơn La, Yên Bái có các giải pháp phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra
Năm 2018, để chủ động PCTT, Ban Chỉ huy đã đề ra từng nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục triển khai Dự án thoát nước và chống ngập úng cho các đô thị quy mô vừa, vùng duyên hải Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu (sử dụng vốn vay GIZ) do Cục Hạ tầng kỹ thuật chủ trì: Hỗ trợ các hoạt động xây dựng hệ thống chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu (lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; lập quy hoạch tổng thể về thoát nước; lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp úng ngập và hệ thống cảnh báo sớm) tại 05 đô thị duyên hải miền Trung gồm Quy Nhơn, Tuy Hòa, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Nha Trang (thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018). Triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến cấp nước, đặc biệt cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn như Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ... Triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến thoát nước và chống ngập, đặc biệt quan tâm đến các vùng chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thường xuyên xảy ra lũ lụt như duyên hải Miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long ...
Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 14/9/2017 về việc mở mới thêm cho 03 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau thực hiện chương trình trong giai đoạn 2018 - 2020.