Trong những năm qua, hoạt động giám định, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có những chuyển biến tích cực. Thể chế về giám định, giám định tư pháp xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện thông qua việc ban hành Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thực hiện; hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện; nguồn nhân lực thực hiện công tác giám định, giám định tư pháp xây dựng đã được tăng lên về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các vụ việc giám định, đặc biệt là các vụ việc lớn đã cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Văn – Phó Cục trưởng Cục Giám định thì hoạt động giám định, giám định tư pháp xây dựng vẫn còn có những khó khăn, hạn chế trong việc thanh toán chi phí pháp luật và tổ chức thực hiện.
“Nhằm tạo những chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác giám định tư pháp xây dựng, Hội nghị "Tập huấn về giám định, giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng” sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định, giám định tư pháp xây dựng; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với hoạt động giám định, giám định tư pháp xây dựng”- ông Văn cho biết.
Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Điều tra sự cố công trình đòi hỏi người phải có trình độ chuyên môn cao
Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng chia sẻ rằng: Thực tiễn trong những năm qua cũng cho thấy, hoạt động đầu tư xây dựng trên nhiều địa bàn đã xảy ra một số sự cố về chất lượng công trình, tai nạn lao động nghiêm trọng, đặt ra nhiều câu hỏi lớn về công tác quản lý chất lượng công trình. Sự cố có liên quan đến các vụ hành chính, hình sự và các tranh chấp dân sự trong hoạt động xây dựng xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, phát sinh nhu cầu về giám định xây dựng trong hoạt động tố tụng.
Do đặc thù hoạt động xây dựng đa ngành, nhiều đối tượng tham gia, thời gian đầu tư xây dựng dài và nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến kỹ thuật…Trong khi đó, lực lượng tư pháp còn mỏng, hạn chế về chất lượng nên việc giám định xác định nguyên nhân và hướng xử lý mất nhiều thời gian…Điều tra sự cố công trình đòi hỏi người phải có trình độ chuyên môn cao do đó, điều tra bất kỳ một sự cố nào trong hoạt động đầu tư xây dựng phải được tổ chức một cách khoa học, khách quan, có kinh nghiệm.
Vì vậy, ông Trung khẳng định: Hội nghị “Tập huấn về giám định, giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng” là rất hữu ích và cần thiết nhằm nâng cao nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện trong giám định tư pháp trong hoạt động xây dựng; tháo gỡ khó khăn, hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về kiểm định, giám định trong hoạt động xây dựng.
Đánh giá thực trạng về hoạt động giám định tư pháp xây dựng và hệ thống Quy trình chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ cho công tác giám định tư pháp xây dựng, ông Phạm Tiến Văn – Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: Các quy định của pháp luật về giám định tư pháp là cơ bản đầy đủ. Hiện nay có khoảng 25 Quy chuẩn, 500 tiêu chuẩn phục vụ cho hoạt động giám định, giám định tư pháp xây dựng. Về nhân lực, hiện nay có 84 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc trên tổng số 159 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thuộc tất cả các lĩnh vực (chiếm 52,8%). Có 166 giám định viên tư pháp xây dựng trên tổng số 5.277 giám định viên tư pháp thuộc tất cả các lĩnh vực (chiếm 3,2%). Có 243 người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc trên tổng số 1.089 người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thuộc tất cả các lĩnh vực (chiếm 22,3%).
Giám định tư pháp rất quan trọng đối với hoạt động tố tụng.
Tại Hội nghị, chia sẻ những kiến thức chung về pháp luật giám định tư pháp, bà Nguyễn Thị Thụy, Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Trong thời gian gần đây, nhu cầu giám định tư pháp về xây dựng ngày càng nhiều, điều đó khiến cho các tổ chức, đơn vị xây dựng ngày càng được trưng cầu giám định phục vụ hoạt động điều tra, truy tố và xét xử thường xuyên hơn. Giám định tư pháp trong xây dựng có những điểm khác biệt với hoạt động kiểm định, giám định xây dựng về mục đích, chủ thể yêu cầu làm giám định.
Thông qua hoạt động xem xét đánh giá về góc độ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, các chuyên gia xây dựng giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được: Có hay không có hành vi phạm tội? Mức độ hậu quả của hành vi phạm tội? ai là người thực hiện hành vi phạm tội? động cơ mục đích phạm tội?…để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
“Các chuyên gia xây dựng khi làm giám định tư pháp cần xác định rõ các nguyên tắc giám định, các quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện giám định và tham gia tố tụng, tham dự phiên tòa với tư cách là người giám định tư pháp. Bên cạnh đó, cần nắm vững các quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp nói chung, trong lĩnh vực xây dựng nói riêng để xác định cho đầy đủ các chi phí giám định xây dựng để yêu cầu các cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định phải tạm ứng, thanh toán đầy đủ và kịp thời, khắc phục tình trạng chậm chi trả hoặc không chi trả cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định – một tồn tại lớn hiện nay” - bà Thụy cho biết.
Nhiều tham luận tại Hội nghị cũng đã tập trung phân tích rõ hơn “Kỹ năng và trình tự thực hiện giám định công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng phục vụ chức năng giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng”- PGS.TS Trần Chủng – Phó Chủ tịch Hội kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam; “Giám định, giám định tư pháp về chất lượng vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng và sản phẩm xây dựng”- của TS. Nguyễn Đức Thắng, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng; “Giám định tư pháp về chi phí đầu tư xây dựng công trình, giá trị công trình…”- của Th.s Hoàng Xuân Hiệp – Viện Kinh tế xây dựng…
Hội nghị Tập huấn đã thu hút hơn 200 học viên thuộc Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra, cùng nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định, giám định tư pháp các tỉnh khu vực phía Nam tham gia.
Từ năm 2010 đến nay, trên cả nước có khoảng 300 vụ việc giám định, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Cần Thơ 65 vụ, TP Hồ Chí Minh 35 vụ, Đà Nẵng 25 vụ, Hà Nội 21 vụ; trong đó có 18 tỉnh không có vụ việc nào được trưng cầu. Các vụ việc cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. |