Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022
Ngày 23/8/2017, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (viết tắt là Tổng hội) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, nhằm đánh giá các mặt công tác trong nhiệm kỳ qua(2012-2017), thảo luận phương hướng hoạt động trong tới, và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (2017-2022). Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã đến dự và chúc mừng Đại hội.  

Quang cảnh Đại hội

 

 

Theo Báo cáo tại Đại hội, nhiệm kỳ 2012 - 2017 dù còn nhiều khó khăn, song Tổng hội và các Hội thành viên đã nỗ lực đẩy mạnh các mặt hoạt động. Đặc biệt là công tác tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học. Nhờ đó, các hoạt động của Tổng hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả cho ngành Xây dựng nói riêng, cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nói chung.

Trong cả nhiệm kỳ VII, Ban chấp hành Tổng hội đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao trong công việc cũng như tăng cường mối quan liên hệ chặt chẽ với các Bộ liên quan, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, tư vấn phản biện các vấn đề bức xúc trong thực tiễn liên quan đến xây dựng. Bên cạnh những hoạt động sôi nổi ở Tổng hội, các Hội Xây dựng tỉnh, thành phố cũng tăng cường mối gắn kết với các Sở Xây dựng và bám sát yêu cầu thực tế của địa phương, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Hội.

Trong các hoạt động của Tổng hội, tư vấn phản biện là một trong những nhiệm vụ chính và quan trọng nhất. Thực hiện nhiệm vụ này, trong nhiệm kỳ qua, Tổng hội đã tích cực tham gia góp ý nhiều dự án Luật, Nghị định quan trọng của Nhà nước và của các Bộ có liên quan đến xây dựng cũng như các dự án công trình lớn theo chương trình của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Tổng hội đã tham dự và đóng góp ý kiến bằng văn bản tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho: Dự thảo “Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013), Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đô thị; Luật Đầu tư công; Luật Quy hoạch; Luật Khoa học Công nghệ; Luật về tổ chức Hội; Luật Thi đua khen thưởng...

Bên cạnh đó, Tổng hội đã triển khai các hoạt động “Đánh giá thực trạng tham nhũng và kết quả công tác phòng chống tham nhũng“ theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Tổng hội đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến cho Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng, Chương trình Phát triển nhà ở xã hội, cũng như tham gia các Hội đồng thẩm định các dự án quy hoạch đô thị, nâng cấp và công nhận các đô thị, Chương trình quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, Chương trình sử dụng vật liệu xây không nung... Nhiều chuyên gia của Tổng hội được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam mời tư vấn phản biện các vấn đề lớn, như: Luật về Hội; Luật Khoa học Công nghệ; Đánh giá hiệu quả dự án bôxít Tây Nguyên; Dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Quy hoạch công trình thủy điện; Cơ chế phổ biến kiến thức khoa học công nghệ.

Trong khi đó, các Hội Xây dựng tỉnh, thành phố chủ yếu tham gia tư vấn phản biện những dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp ý kiến cho các phương án kiến trúc và quy hoạch các thị trấn, thị tứ, các thiết kế cơ sở của địa phương; tham gia Hội đồng Kiến trúc và Quy hoạch của tỉnh; tham gia Hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư xây dựng, giám sát công trình, cấp phép xây dựng ở địa phương mình; tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới… Nhiều Hội đã đề xuất với UBND tỉnh danh mục các công trình xây dựng phải có ý kiến tư vấn phản biện trước khi xây dựng dự án, tham mưu cho UBND tỉnh và các chủ đầu tư phê duyệt các dự án đầu tư, tham gia tư vấn phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xây dựng.

Ở nhiều tỉnh, thành phố, Hội Xây dựng đã tham gia vào các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng, triển khai các Nghị định về xây dựng của Chính phủ cho địa phương mình, soạn thảo các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý chất lượng, cấp phép xây dựng. Nhiều Hội Xây dựng địa phương đã tham gia Hội đồng Khoa học, Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề, Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư của tỉnh, thành phố, tham gia góp ý về các chế độ, chính sách có liên quan đến hoạt động xây dựng của địa phương. Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các Hội Xây dựng tỉnh thành phố đã tham gia những công việc cụ thể như: tư vấn phản biện, thiết kế hoặc giám sát xây dựng ở địa phương.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là tư vấn phản biện, các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học công nghệ, công tác thông tin, công tác đối ngoại cũng được Tổng hội chú trọng đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 156 thành viên, bầu Ủy ban kiểm tra và bầu Đoàn Chủ tịch gồm 21 thành viên. Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2012 - 2017 được tín nhiệm bầu tái giữ chức Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng được Đại hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc Đại hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ nhanh chóng củng cố, lập quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch, đồng thời thành lập các Ban chuyên môn, Hội đồng Khoa học, Hội đồng thi đua khen thưởng để giúp việc Đoàn Chủ tịch với các chức năng nhiệm vụ cụ thể, nhanh chóng đưa hoạt động có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Song song với đó, Tổng hội sẽ tiến hành củng cố, tổ chức các Hội thành viên, bao gồm các Hội chuyên ngành và các Hội Xây dựng tỉnh thành phố hiện có để có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng hội và để hoạt động theo đúng Điều lệ và có hiệu quả trong công tác tư vấn phản biện và nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ biến kiến thức…

Theo moc.gov.vn

 

Các tin khác