Để thực hiện công tác đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng, cần phải đưa ra một quy trình cụ thể, thống nhất, dễ áp dụng (ảnh minh họa).
Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Tiếp đó, ngày 15/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Tuy nhiên với số lượng nhà ở và công trình công cộng, đặc biệt là nhà chung cư và biệt thự cũ lên đến hàng nghìn, thì việc rà soát, đánh giá đó sẽ rất mất thời gian, kinh phí và nhân lực.
TP Hà Nội có khoảng 1.516 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.
Riêng 4 quận nội thành cũ có 935 nhà chung cư cũ, còn lại phân bố rải rác 8 quận còn lại và các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Trong tổng số quỹ nhà chung cư nói trên có 273 nhà lắp ghép tấm lớn, 856 nhà xây gạch, 193 nhà khung bê tông cốt thép, còn lại các kết cấu khác.
Để thực hiện công tác đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng, cần phải đưa ra một quy trình cụ thể, thống nhất, dễ áp dụng.
Ở Việt Nam, kết cấu xây là một dạng kết cấu được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng nói chung và công trình nhà nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX cho đến nay vẫn còn đang được khai thác sử dụng.
Trong số đó có không ít công trình đã xuống cấp và tồn tại những hư hỏng. Tình trạng đó có thể chỉ đơn thuần là những khuyết tật gây ảnh hưởng đến các điều kiện sử dụng, điều kiện sinh hoạt bình thường của người sử dụng, song nó cũng có thể là sự tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn chịu lực của công trình, đe dọa đến tính mạng của những người ở trong đó.
Trên cơ sở các thông tin đã tìm hiểu và thu thập được trong giai đoạn chuẩn bị từ giai đoạn khảo sát, đánh giá sơ bộ, cơ quan chức năng tiến hành lập đề cương khảo sát chi tiết đối với từng đối tượng cụ thể.
Xuất phát từ những tồn tại trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Nội dung Chỉ thị đã chỉ rõ mục đích, nhiệm vụ khảo sát; khối lượng khảo sát; phương pháp khảo sát; các thiết bị sử dụng để khảo sát; danh mục các tính toán kiểm tra cần thiết.
Trong đó, yêu cầu đối với Bộ Xây dựng là chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, ban hành quy trình đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm định an toàn chịu lực và chính sách xử lý đối với nhà ở, công trình công cộng, các công trình chuyên ngành khác bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với các nhà chung cư, nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng và các công trình xây dựng khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị trên cả nước.
Đối với UBND các tỉnh, thành: Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình, bao gồ̀m nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994 có dấu hiệu nguy hiểm theo quy định của pháp luật về xây dựng; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình công cộng khác có dấu hiệu nguy hiểm; thực hiện việc rà soát, thống kê, đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình cũ.
Bước 1: Sử dụng phương pháp đo đạc, đánh giá trực quan và phân loại, xác định các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực để lập danh sách đưa vào diện cần kiểm định chất lượng; trong quá trình đánh giá có thể tận dụng kết quả đã thực hiện trong thời gian 3 năm trước đây.
Bước 2: Tổ chức đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm đã được lập danh sách đưa vào diện cần kiểm định chất lượng tại bước 1 nêu trên.
Về kinh phí thực hiện, Chỉ thị nêu rõ, bố trí kinh phí từ ngân sách theo quy định của pháp luật để thực hiện rà soát, thống kê, kiểm định và đánh giá an toàn chịu lực đối với nhà chung cư và các công trình thuộc sở hữu nhà nước hoặc có một phần thuộc sở hữu nhà nước; hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng thực hiện kiểm định, đánh giá an toàn chịu lực đối với các công trình thuộc sở hữu tư nhân trên địa bàn.
Đồng thời tổ chức thực hiện việc xử lý khắc phục, gia cường công trình, di dời người dân và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đối với các công trình xây dựng bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đối với nhà chung cư thì tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Về thời gian thực hiện, Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy trình đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực nhà ở và công trình xây dựng trước tháng 3/2016; UBND các tỉnh, thành hoàn thành việc soát, thống kê, đánh giá bước 1 và phân loại, xác định nhà ở và các công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực để đưa vào diện cần kiểm định chất lượng chậm nhất trong tháng 9/2016; hoàn thành bước 2 việc kiểm định mức độ an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm chậm nhất trong tháng 3/2017.