1. Thời kỳ đầu:
Kết thúc kế hoạch 5 năm (1986-1990), với chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta dần dần khắc phục được những yếu kém, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Quan trọng nhất, đây là giai đoạn chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, thực hiện một bước quá trình đổi mới đời sống kinh tế - xã hội và bước đầu giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới.
Với Chỉ thị 07 ngày 05/02/1990 và Thông tư số 248-BXD ngày 05/4/1990 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ Công đoàn xây dựng Việt Nam, sự ra đời của “Cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình xây dựng 2 năm 1990-1991” được phát động đã đem lại một số hiệu quả thiết thực trong giai đoạn chuyển nền kinh tế sang sản xuất hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường. Chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng và chất lượng công trình xây dựng là yếu tố quan trọng để cạnh tranh, tồn tại và phát triển của mỗi xí nghiệp trong ngành xây dựng, do đó Cuộc vận động đã được đông đảo quần chúng, nhất là cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật hưởng ứng mạnh mẽ. Nhờ kết quả cuộc vận động nâng cao chất lượng mà nhiều đơn vị sản xuất, xây lắp đã lấy lại được uy tín trên thị trường, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động và xí nghiệp kinh doanh có lãi, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, thu nhập của công nhân lao động được nâng cao.
2. Các giai đoạn tiếp theo:
Phát huy kết quả đã đạt được trong 02 năm 1990-1991, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ Công đoàn xây dựng Việt Nam quyết định tiếp tục triển khai cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình xây dựng trong năm 1992-1993 bằng Chỉ thị số 02/BXD-CĐXDVN ngày 19/3/1992. Trong đó nêu rõ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 07 ngày 05/02/1990 và Thông tư số 248-BXD ngày 05/4/1990 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ Công đoàn xây dựng Việt Nam về mục đích, yêu cầu, nội dung, tiêu chuẩn phấn đấu đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm công trình xây dựng cho công nhân và lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh của ngành, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người đối với chất lượng sản phẩm, công trình do đơn vị mình làm ra; xây dựng khí thế thi đua "mọi người làm việc đạt chất lượng cao" để có nhiều sản phẩm, công trình đạt chất lượng cao, đồng thời vận động công nhân và lao động đăng ký đơn vị tập thể và cá nhân đạt chất lượng.
Trong bối cảnh đất nước dần dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng đạt tương đối cao, liên tục và toàn diện,hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều đạt nhịp độ tăng trưởng tương đối khá,Cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành xây dựng” vẫn tiếp tục được tổ chức triển khai theo các kế hoạch 5 năm và đã đạt được nhiều kết quả. Công tác thi đua của các doanh nghiệp để xây dựng các công trình mới đạt chất lượng cao với công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng tiên tiến trong giai đoạn chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giai đoạn 2001-2005, Cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam phát động đã thu hút 290 doanh nghiệp hành nghề xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng thuộc các thành phần kinh tế, các Bộ, Ngành hưởng ứng tham gia. Kết quả 5 năm đã có 548 công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng được tặng thưởng huy chương vàng và bằng chất lượng cao; 34 lượt doanh nghiệp được tặng cờ đơn vị xuất sắc về đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm xây dựng hàng năm; 574 tập thể và cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và của Ban Thường vụ công đoàn Xây dựng Việt Nam. Hệ thống quản lý chất lượng của các đơn vị tham gia cuộc vận động đã được củng cố, hoàn thiện theo các tiêu chí của tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO 9000.
3. Kết thúc Cuộc vận động:
Giai đoạn 2006-2010, với việc thực hiện Chỉ thị số 06/2006/CT-BXD ngày 27/4/2006 về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng” kết quả đạt được là đã có 150 đơn vị tham gia với 264 công trình và 17 sản phẩm được nhận huy chương vàng chất lượng cao, 22 cờ đảm bảo chất lượng, 252 bằng khen cho tập thể và cá nhân. Trong 5 năm, thông qua cuộc vận động đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn về mô hình quản lý chất lượng theo ISO 9000. Hệ thống đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp cũng được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức tốt hơn về yêu cầu đảm bảo chất lượng thi công, xây dựng hệ thống đặc biệt chất lượng theo ISO 9000.
Tháng 11/2010, Công đoàn Xây dựng Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức tổng kết cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành xây dựng” giai đoạn 2006-2010 và 20 năm (1990-2010) thực hiện Cuộc vận động. Kết quả 20 năm đã có 2.253 công trình, 658 sản phẩm vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng được tặng huy chương vàng và bằng chất lượng cao, 625 lượt doanh nghiệp được tặng cờ đơn vị xuất sắc về đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm xây dựng, 7.085 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Nhân dịp này, nhằm tôn vinh những đơn vị trong và ngoài nước đã có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng xây dựng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với một số cơ quan truyền thông đã tổ chức chương trình trao “Cúp vàng Chất lượng Xây dựng Việt Nam” năm 2010 cho các đơn vị đã có nhiều thành tích và các công trình đạt chất lượng cao tiêu biểu.
Có 65 công trình xây dựng đạt Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010. Trong số đó có thể kể đến các công trình như: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cảng hàng không Quốc tế T2 - Sân bay Tân Sơn Nhất, nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy thủy điện Yaly, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhà máy Xi măng Nghi Sơn, nhà máy đạm Phú Mỹ, Cầu Phú Mỹ, hầm đường bộ Hải Vân, Hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tiên Sơn Bắc Ninh,Nhà máy nước Sông Đà, Cao ốc Bến Thành Times Square, Trung tâm thương mại Artex SaiGon Building, Trung tâm Điều hành khai thác và Phát triển các dịch vụ tin học viễn thông, công trình hợp khối Liên cơ tỉnh Lai Châu …
4. Trên đường đổi mới:
Sau hơn 20 năm thực hiện, Cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành xây dựng” đã đạt được những kết quả nhất định. Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã đề xuất để Cuộc vận động được đổi mới, phát triển theo hướng thể chế hoá các hình thức giải thưởng vào các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là các văn bản: Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/ 2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 36/2012/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Tổ chức Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng, Thông tư số 12/2013/TT-BXD ngày 31/7/2013 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng.
Theo quy định sẽ có hai hình thức Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng và Giải thưởng Công trình chất lượng cao. Các giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng được tổ chức trên phạm vi cả nước. Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng được tổ chức 02 năm một lần. Giải thưởng công trình chất lượng cao được tổ chức hằng năm.
Theo đó, các công trình được đăng ký tham gia Giải thưởng là các loại công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật từ cấp III trở lên và không có vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, đấu thầu, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật liên quan. Công trình tham dự xét thưởng là công trình đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng tối thiểu hết thời gian bảo hành tính đến thời điểm đăng ký tham dự xét thưởng. Riêng Giải thưởng công trình chất lượng cao, công trình phải được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng tối thiểu 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký tham dự xét thưởng.
Các công trình đã được tặng Giải thưởng Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010 hoặc Đạt Huy chương vàng chất lượng cao theo "Quy chế đánh giá và công nhận công trình, sản phẩm xây dựng đạt chất lượng cao của ngành Xây dựng trong kế hoạch 5 năm 2006-2010" vẫn được tham gia để xét Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng.
Việc đăng ký tham dự xét, tặng giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Hoạt động xét và trao tặng giải thưởng công khai, khách quan, công bằng theo phương pháp chuyên gia đánh giá, cho điểm trên cơ sở các tiêu chí xét thưởng.
Các tiêu chí xét tặng Giải thưởng gồm Chất lượng công trình; An toàn trong thi công xây dựng, an toàn phòng, chống cháy, nổ và việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường; Công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình; sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, các quy trình, quy phạm trong xây dựng; Việc thực hiện đúng tiến độ xây dựng công trình đã được cơ quan, cấp có thẩm quyền phê duyệt; Ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong xây dựng; Đánh giá của người quản lý, sử dụng công trình và dư luận xã hội về chất lượng công trình tham dự giải thưởng. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí này là 100 điểm. Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng được xét tặng cho các công trình đạt từ 85 điểm trở lên, đồng thời số điểm về chất lượng công trình tối thiểu phải đạt 50 điểm. Giải thưởng Công trình chất lượng cao được xét tặng cho các công trình đạt từ 70 điểm trở lên, đồng thời số điểm về chất lượng công trình tối thiểu phải đạt 40 điểm.
Hình thức Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng gồm gắn biển công trình theo Quyết định tặng giải thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Giấy chứng nhận Giải thưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng cấp cho các đơn vị tham gia xây dựng công trình; Cúp lưu niệm được trao cho đơn vị đăng ký công trình đạt giải. Hình thức Giải thưởng Công trình chất lượng cao gồm Giấy chứng nhận giải thưởng do Chủ tịch Hội đồng xét thưởng cấp cho các đơn vị tham gia xây dựng công trình; Huy chương vàng chất lượng cao được trao cho đơn vị đăng ký công trình đạt giải. Ngoài ra các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng 03 năm liên tục có công trình đạt Giải thưởng công trình chất lượng cao hoặc có 03 công trình đạt Giải thưởng công trình chất lượng cao trong một năm sẽ được đề nghị xem xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Các chủ thể (Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng công trình, tư vấn quản lý dự án) tham gia xây dựng công trình được tặng giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng được tôn vinh tại Lễ trao giải thưởng; được đăng tải thông tin về năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng làm cơ sở để lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; được các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn quỹ khen thưởng hằng năm để khen thưởng theo quy định của pháp luật; được quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng của giải thưởng trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị.
Việc pháp lý hoá hệ thống giải thưởng chất lượng công trình xây dựng đã nâng giải thưởng lên một tầm cao mới. Các tiêu chí đăng ký công trình để tham gia xét thưởng rõ ràng, công tác đánh giá xem xét công trình sẽ đảm bảo chặt chẽ và khách quan hơn. Các doanh nghiệp sẽ phấn đấu thi đua để có các công trình xây dựng có thiết kế kiến trúc đẹp, kết cấu an toàn và thi công đạt chất lượng cao để đăng ký tham dự xét thưởng.
Trên cơ sở hồ sơ đăng ký của các đơn vị tham gia giải thưởng, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra, xem xét để quyết định công bố, trao Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng và Giải thưởng công trình chất lượng cao trong năm 2014. Tham gia Giải thưởng này các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng thương hiệu cho mình cũng như góp phần để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
KTS. Nguyễn Xuân Phương
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng