Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013. Nghị định này được ban hành thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điểm mới trong Nghị định 15 là cho phép cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng kiểm soát chặt hơn chất lượng công trình, từ khâu khảo sát thiết kế, thi công, nghiệm thu đến khi đưa công trình vào hoạt động. Cơ quan Nhà nước sẽ thẩm tra về thiết kế, tính an toàn của công trình, nghiệm thu công trình, nếu đảm bảo mới cho sử dụng. Trước đây, chất lượng công trình do chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn... toàn quyền quyết định. Khi có sự cố thì cơ quan quản lý Nhà nước mới can thiệp.
Theo số liệu thống kê, hiện nay vốn đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vì vậy công tác quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước. Sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Chính vì vậy, Nghị định 15 sẽ quy định rõ các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và chi phí xây dựng ngay từ giai đoạn đầu - “tiền kiểm”, thông qua việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán (với công trình có sử dụng vốn ngân sách), những việc mà trước đây đều do chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc đảm bảo chất lượng công trình.
Theo: Báo Chính phủ