Dự thảo Thông tư Nghị định 15/2013/NĐ-CP: Quản lý chặt chất lượng công trình
Nghị định 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có hiệu lực hơn một tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải đáp đối với các chủ thể thực hiện. Vì vậy, mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.  

Chất lượng công trình là yếu tố quyết định đảm bảo công năng, an toàn công trình khi đưa vào sử dụng hiệu quả và đầu tư của dự án. Quản lý chất lượng công trình là vấn đề then chốt trong hoạt động xây dựng và được thực hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình.


Theo Dự thảo Thông tư thì kết quả về chất lượng phải được thể hiện bằng văn bản.

Dự thảo thông tư này (gồm 6 chương, 36 điều) hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với mọi loại công trình xây dựng được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác nhau và báo cáo công tác bảo trì. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng và nghiệm thu. Hoặc chủ đầu tư có thể ủy quyền cho BQLDA, tư vấn quản lý dự án.

Theo Thông tư này, thì trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng được siết chặt trong trường hợp áp dụng hình thức hợp đồng tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình. Chủ đầu tư không trực tiếp quản lý việc thực hiện dự án đầu tư và quản lý chất lượng công trình nhưng phải phê duyệt nhiệm vụ thiết kế; Kiểm tra năng lực tổng thầu so với hồ sơ dự thầu; Phê duyệt tiến độ thi công xây dựng công trình; Tiếp nhận hồ sơ hoàn thành công trình, tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng; Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình...

Hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng phải được trình bày, thuyết minh ngay trong hồ sơ dự thầu và phải được thông báo cho chủ đầu tư biết trước khi thi công xây dựng. Các vật tư, cấu kiện, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi sử dụng, lắp đặt vào công trình phải được bên cung ứng trình chủ đầu tư kiểm tra. Kết quả về chất lượng phải được thể hiện bằng văn bản.

Đáng chú ý, tại Chương 3, điều 22 nêu rõ: "Trong trường hợp khi tổ chức nghiệm thu công trình vẫn còn tồn tại về chất lượng nhưng công trình đủ điều kiện khai thác thì chủ đầu tư có thể xem xét, quyết định việc nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Biên bản nghiệm thu phải nêu đầy đủ các tồn tại về chất lượng, biện pháp và thời hạn khắc phục".

Khi công trình, hạng mục công trình có biểu hiện không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, cơ quan quản lý nhà nước có quyền thí nghiệm đối chứng và kiểm định chất lượng trong quá trình thi công xây dựng.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố theo quy định tại Điều 37, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP bao gồm: Tên công trình, hạng mục xảy ra sự cố; thiệt hại về người (nếu có); xác định nguyên nhân sơ bộ gây ra sự cố... Các loại sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng được quy định tại khoản 1, Điều 36 Nghị định 15/2013/NĐ-CP, được phân cấp theo mức độ thiệt hại về người và vật chất.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Ủy viên BCH Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết: “Phải ban hành chi tiết chế độ kiểm tra thường xuyên của các đơn vị quản lý nhà nước, kể cả cấp bộ, thực hiện đối với công trình xây dựng phân cấp. Chế độ kiểm tra phải đảm bảo hiệu quả, ngăn ngừa những thỏa hiệp, tiêu cực từ đầu. Việc kiểm tra hồ sơ khi đã hoàn thành công trình lúc đó mới phát hiện vi phạm chắc chắn sẽ khó khắc phục, dễ xảy ra hiện tượng “hợp thức hóa” sai phạm.

Theo: Báo Xây dựng Điện tử

 

Các tin khác