Dân hạ lưu: Khô héo, bầm dập vì thủy điện
Suốt hơn 3 năm qua, đến hẹn lại lên, vào mùa mưa, dân sống dọc theo vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn lại đối mặt với vấn nạn lũ chồng lũ. Còn mùa khô lại đối mặt với hạn hán đến khô héo.  

 

Dồn dập lũ…


Ông Nguyễn Minh Tuấn, Thường trực Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, hầu hết, các dự án thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đều nêu đến lợi ích của công trình trong việc điều tiết dòng chảy. Đó là: cắt lũ, giảm lũ hoặc làm chậm lũ vào mùa mùa mưa, bổ sung dòng chảy trên sông vào mùa nắng, nhằm phục vụ các yêu cầu sản xuất cho nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du Quảng Nam và Đà Nẵng.

“Thế nhưng sự thật không phải lúc nào cũng như mong muốn. Mùa mưa bão những năm gần đây chỉ thấy lũ chồng lũ khi thủy điện xả nước”, ông Tuấn nói.

Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư dự án luôn ưu tiên việc phát điện là chính mà ít quan tâm đến điều tiết dòng chảy lũ, hạn chế ngập lụt vùng hạ du, từ đó đã dẫn đến thiết kế các hồ thuỷ điện có dung tích phòng lũ rất nhỏ như đã phản ánh.

Do mục tiêu của các hồ thủy điện hiện nay là lấy hiệu quả phát điện làm chính, hầu như hoàn toàn không quan tâm đến việc cắt lũ, giảm lũ và chậm lũ cho hạ du. "Tính “đa mục tiêu” của công trình không được thực hiện đảm bảo như báo cáo đánh giá tác động môi trường đề ra ban đầu", ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, khẳng định.

 

 Mùa nắng các sông không còn nước khiến đất nứt nẻ, cây trồng không có nước, người dân chết khát vì thủy điện tích nước


Tại cuộc họp với lãnh đạo các chủ hồ chứa thủy điện chiều 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã bày tỏ lo ngại, nhà máy thủy điện bán điện được bao nhiêu tiền cũng không bằng tổng thiệt hại mà bà con vùng hạ du phải gánh chịu một khi việc vận hành xả lũ bất hợp lý.

Chính vì thế, ông Thanh nhấn mạnh, nếu không bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Quảng Nam sẽ kiến nghị Chính phủ không cho tích nước phát điện.

“Trước đây, các hồ này thích xả khi nào là xả, nhưng lần này nhất định phải bắt buộc phối hợp thật tốt để cắt lũ cho hạ du. Phải lo cho người dân ở hạ lưu trước, sau đó mới tính đến vấn đề kinh tế”, ông Thanh nói. 

Khô hạn 

Trong khi đó, theo tính toán, hầu hết các hồ thủy điện bậc thang đầu nguồn Vu Gia - Thu Bồn có lưu lượng xả nước phát điện lớn hơn dòng chảy kiệt của lưu vực. Đây là điều hết sức thuận lợi, sẽ bổ sung lượng nước đáng kể phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ du.

 

Thủy điện tích nước vào mùa khô đã khiến các sông ở vùng hạ lưu biến thành dòng sông chết, cạn trơ đáy.


Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi có thủy điện thì hạ lưu cũng đối mặt nhiều hơn với nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn.

Ông Tuấn dẫn chứng, qua theo dõi vào mùa nắng tháng 7/2008, công trình thủy điện A Vương tích nước để chuẩn bị phát điện, đã gây một đợt hạn hán thiếu nước tại một số địa phương của Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Mùa mưa thủy điện xả lũ gây ngập vùng hạ lưu, hư hỏng tài sản của dân.


Đến tháng 7/2009, công trình thủy điện A Vương lại đóng nước để sửa chữa bảo dưỡng thiết bị phục vụ cho nghiệm thu công trình đã làm cho lưu lượng và mực nước tại đập dâng An Trạch thiếu hụt đột ngột, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An và thành phố Đà Nẵng, khiến khoảng hơn 5.000 ha lúa Hè Thu bị thiếu nước.

Tháng 3 /2010, Nhà máy thuỷ điện A Vương và Sông Côn 2 chỉ xả nước phát điện vào giờ cao điểm (7giờ sáng đến 23 giờ đêm) và ngừng xả nước phát điện từ 23 giờ đếm đến 7 giờ sáng hôm sau. Điều này đã dẫn đến mực nước trên sông Vu Gia mất ổn định, có nhiều lúc xuống quá thấp, thiếu nước nghiêm trọng.

Ngay nhà máy thuỷ điện ĐakMi 4 khi phát điện đã chuyển nước từ lưu vực sông Vu Gia với diện tích trên 1.100 km2 sang sông Thu Bồn. Việc này gây tranh cãi giữa địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam với Bộ Công thương.

Ngay sau đó, Bộ Công thương đã cho mở cống xả đáy qua đập chính với lưu lượng khoảng 8,5 m3/giây. Tuy nhiên, các thành viên tổ thẩm định của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không chấp nhận và đề nghị phải mở cống xả có lưu lượng khoảng 40m3/giây mới đảm bảo yêu cầu cấp nước cho vùng hạ du trong mùa kiệt. Song, yêu cầu trên không được đáp ứng.

Vì vậy người dân vùng hạ lưu Quảng Nam và Đà Nẵng vào mỗi mùa nắng nóng đều kêu trời vì thủy điện gây thiếu nước.

 

 

Các tin khác