Làm nhà trên... nóc chung cư
Việc cơi nới, lấn chiếm diện tích công cộng, không gian tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã diễn ra từ nhiều năm trước. Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, nhiều hộ dân còn làm nhà trên nóc các chung cư cũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình.  

 

 
Nhiều phòng ở được cơi nới trên nóc khu tập thể C7 Kim Liên (Hà Nội).
 
 
Khu tập thể Kim Liên được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 20. Tại khu tập thể này, nhiều năm nay đã diễn ra tình trạng người dân "nhảy dù" lấn chiếm các khu đất công cộng để làm nhà ở, cửa hàng kinh doanh; hoặc cơi nới hành lang, ban-công để dựng "chuồng cọp", "lồng chim", "đeo ba-lô" cho tòa nhà. Việc này không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị mà còn gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình, làm công trình xuống cấp nhanh chóng. Nhiều tòa nhà bị lún, nứt, dột, ẩm mốc, cầu thang đứt gãy... có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian gần đây, tại các khu nhà C4, C5, C6..., nhiều hộ dân ở tầng 4 (tầng trên cùng của tòa nhà) đục trần để làm nhà ở trên sân thượng.

 

Bà Nguyễn Thị Tình, người dân sống tại nhà C4 cho biết, khi phát hiện chủ nhà tầng 4 tự ý phá bỏ hệ thống xà gồ, dỡ mái ngói, người dân sinh sống trong tòa nhà rất lo lắng và đã có ý kiến phản đối. Tuy nhiên, các hộ vi phạm đưa ra lý do sửa chữa, làm mái tôn chống dột... Sau khi phá bỏ mái ngói cũ, họ dựng hệ thống cột chống, hàn khung thép và lợp mái tôn để tạo ra căn phòng mới. Và chỉ cần đục lỗ trần, lắp đặt thêm cầu thang, một căn hộ rộng gần 20 m2, bỗng chốc có diện tích... rộng gấp hai lần. Thậm chí nhiều gia đình còn hàn khung thép vươn ra phía trước khoảng 1 m để đặt vườn treo, làm chỗ phơi quần áo...

Tại khu nhà B19, B8B..., lợi dụng mái nhà không lợp ngói, từ nhiều năm nay, người dân đã xây hàng chục bể chứa nước sinh hoạt trên nóc nhà. Các bể nước xây dựng lâu ngày đến nay phần lớn đã bị nứt, nước rò rỉ thấm xuống mái nhà. Hiện tượng lún, nứt, ngấm dột tại đây diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, gần đây một số hộ dân cũng đục mái, dựng nhà trên sân thượng.

Tình trạng tương tự xảy ra tại các khu tập thể: Thành Công (quận Ba Ðình), Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân)...

Anh Nguyễn An ở khu tập thể số 8 phố Trần Quốc Toản (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) phản ánh, việc dựng nhà trên nóc chung cư tại đây đã diễn ra từ khoảng bốn năm trước. Người dân đã nhiều lần thông báo với chính quyền địa phương, nhưng việc xử lý chủ yếu chỉ là phạt hành chính, cho nên các công trình vi phạm vẫn tiếp tục mọc lên và ngang nhiên tồn tại. Trong tháng 8-2012, người dân phát hiện một trường hợp vi phạm tại nhà A1. Chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu chủ nhà chấm dứt hành vi vi phạm, nhưng chỉ vài ngày sau công trình lại tiếp tục thi công. Cho đến nay công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu tập thể số 8 phố Trần Quốc Toản gồm hai tòa nhà A1, A2 được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 và hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nằm trong kế hoạch cải tạo lại chung cư cũ của thành phố. Mỗi tòa nhà có khoảng 60 hộ dân, trong đó tầng 4 có hơn mười hộ. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều tấm pa-nen ghép sàn đã xuất hiện các vết nứt lớn khiến lớp vôi vữa trát bên ngoài bị bong tróc, trơ lõi thép hoen gỉ. Ðể gia cố mái nhà, một số hộ dân phải làm thêm hệ thống dầm thép để chống đỡ. Vì thế, việc dựng nhà trên nóc, biến mái nhà đã xuống cấp nghiêm trọng thành sàn nhà là vô cùng nguy hiểm.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc người dân tự ý cơi nới, xây dựng nhà trên nóc chung cư là hành vi vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng. Tất cả các chung cư cũ đều không được phép cơi nới do từng công trình đều được thiết kế với khả năng chịu tải cố định. Việc dựng nhà trên nóc làm tăng thêm gánh nặng cho công trình là vô cùng nguy hiểm, nhất là những chung cư đã bị lún nghiêng, nứt.

Sở dĩ để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý trật tự xây dựng. Ðội ngũ thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm và có nhiều tiêu cực. Theo quy trình, khi phát hiện vi phạm, thanh tra xây dựng tiến hành lập biên bản và yêu cầu chủ công trình dừng thi công. Nếu sau 24 giờ mà chủ công trình vẫn tiếp tục vi phạm, thanh tra xây dựng đề nghị chính quyền ra quyết định đình chỉ công trình. Sau đó có thể áp dụng các biện pháp cắt điện, nước, cấm thợ, cấm xe vận chuyển nguyên vật liệu vào công trình... Tuy nhiên việc xử lý của chính quyền thiếu kiên quyết, dứt điểm dẫn đến các vi phạm ngày càng tăng.

Hình thức cơi nới tầng thượng, làm nhà trên nóc chung cư cũ tuy mới diễn ra vài năm trở lại đây, nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ phát triển nhanh chóng, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì thế, chính người dân sinh sống tại các chung cư cũ cần có nhận thức đúng đắn trước việc làm nguy hiểm này. Chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý và không để phát sinh vi phạm mới.

Nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực trật tự xây dựng, mới đây UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng và xử lý các cá nhân để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Ðây cũng là dịp để các lực lượng chức năng lập lại trật tự xây dựng tại các khu tập thể, chấm dứt tình trạng làm nhà trên nóc chung cư cũ.

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

 

 

Các tin khác