Ngày 14/5/2011, lễ khởi công dự án Nhà máy gang thép Mường La tại bản Giang, thị trấn Ít Ong - Mường La (Sơn La) diễn ra hết sức hoành tráng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Sơn La trong năm 2011 với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, nhà máy được xây dựng trên diện tích đất khoảng 11ha do Công ty CP gang thép Sơn La làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, nhà máy triển khai sẽ khai thác được tiềm năng và thế mạnh của các điểm mỏ quặng trong vùng như: sắt Mường Trai, sắt Py Toong, sắt Pha Thoóng, sắt Suối Cù, sắt Bản Ún, sắt Ai Sơn, Bản Dè, Pắc Ngà, Bản Lém, Bản Tả Hi… và các điểm mỏ quặng lăn nhỏ. Việc xây dựng Nhà máy sẽ có tác động tích cực cho phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La, đặc biệt là công nghiệp nặng phục vụ các sản phẩm cơ khí, các nhà máy thủy điện, xi măng…
Theo thông tin từ chủ đầu tư, nhà máy có công suất 300.000 tấn gang, thép/năm này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 công suất 150.000 tấn vào năm 2012. Sau khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động địa phương.
Tuy nhiên, giữa tháng 9/2012, có mặt tại khu đất xây dựng Nhà máy gang thép Mường La, PV Dân trí ghi nhận một cảnh tượng hiu hắt đến... bất ngờ khi cả một khu đất rộng lớn mới chỉ có một phần được san lấp, giải phóng mặt bằng. Những búi cây dại và cỏ mọc lơ thơ. Không có dấu vết của một công trình nào cho thấy tín hiệu sẽ có một nhà máy gang thép hoành tráng tại đây mà chỉ có những đàn trâu, bò được người dân chăn thả nhẩn nha hồn nhiên gặm cỏ.
Anh Lò Văn La, 62 tuổi, người dân tộc Thái sinh sống tại địa phương cho hay: “Năm ngoái, chúng tôi thấy nhà máy khởi công rất rầm rộ nên cứ nghĩ khi nhà máy hoàn thành nhiều người dân sẽ xin được vào nhà máy làm công nhân. Nhưng sau lễ khởi công, đến nay vẫn chưa thấy gì tiến triển khá khẩm hơn, chẳng hiểu chọ có xây nhà máy thật hay không nữa”.
Làm việc với PV Dân trí về tình hình trên, ông Lê Văn Ấu - Phó giám đốc Nhà máy gang thép Sơn La cho biết: Hiện Nhà máy chưa triển khai hoạt động gì. Việc giải phóng mặt bằng cũng chưa được thực hiện xong. Ngay cả ông Ấu với chức danh Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của nhà máy được trả lương khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng đến giờ cũng chẳng có việc gì làm vì thực tế nhà máy còn chưa xây dựng.
Ông Phan Tiến Diện - Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La than phiền: “Theo đề nghị của chủ đầu tư là công ty CP gang thép Sơn La yêu cầu huyện phải giải phóng mặt bằng sớm để tập kết dây chuyền trong tháng 12/2011, chúng tôi đã làm ngày, làm đêm để bàn giao mặt bằng xây dựng nhà máy với diện tích 10,7ha nhưng sau lễ khởi công, không thấy họ xúc tiến thêm hạng mục công trình nào nữa”.
Cũng theo tìm hiểu của PV Dân trí, nhà máy gang thép Mường La khởi công từ 14/5 nhưng đến ngày 19/10/2011, Sở TN&MT tỉnh Sơn La vẫn chưa chấp nhận cấp phép khai thác mỏ sắt cho Công ty CP Gang thép Sơn La theo Công văn 804/STNMT-KS. Công văn của Sở TN&MT Sơn La khẳng định, ngày 12/8/2011, Sở TN&MT đã có văn bản trả lời hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản của Công ty CP gang thép Sơn La. Theo đó, hồ sơ xin cấp phép của công ty chưa đúng và đầy đủ theo quy định Luật Khoáng sản 2010 như: Chưa có Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; chưa có Quyết định phê duyệt đánh giá trữ lượng khoáng sản; chưa có văn bản xác nhận vốn của chủ sở hữu, phải chứng minh được vốn chỉ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản và có xác nhận của cơ quan quản lí tài chính Nhà nước bằng văn bản; chưa có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư khai thác khoáng sản…
Ông Nguyễn Đình Phong - Trưởng phòng Quản lí công nghiệp Sở Công thương tỉnh Sơn La cho rằng, nếu nhà máy gang thép Mường La đầu tư sản xuất theo công nghệ 150.000 tấn/năm (giai đoạn 1) sẽ bị lỗ vì tác động xử lí môi trường, điện năng, than quá cao so với hiện nay. Chính vì vậy, Bộ Công thương đã vào cuộc xem xét, tư vấn nên đầu tư công nghệ hiện đại mới có lãi.
Được biết, phía chủ đầu tư dự án đang có đề xuất xin các cơ quan chức năng để được thay đổi công nghệ, nâng quy mô dự án từ 300.000 tấn/ năm lên 500.000 tấn/năm. Ngày 30/11/2011, UBND tỉnh Sơn La đã có Thông báo số 201/TB-UBND về kết luận của ông Bùi Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý quy mô và các nội dung của dự án 500.000 tấn/năm. Qua đó, yêu cầu Công ty CP gang thép Sơn La sớm hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình thẩm định và phê duyệt theo quy định; hoàn thiện dự án, phê duyệt dự án và trình các cấp có thẩm quyền cấ giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng…
Tuy nhiên, ông Triệu Văn Cơ - Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Sơn La khẳng định: “Chúng tôi cũng chưa nghe thông tin chính thức nào về dự án 500.000 tấn/năm của nhà máy gang thép Mường La. Hiện Sở Kế hoạch đầu tư mới chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 24121000166 ngày 6/12/2010, phê duyệt việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy gang thép tại huyện Mường La với quy mô 150.000 tấn/năm”.
Ông Cơ khẳng định, Giấy chứng nhận đầu tư dự án này nêu rõ: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy này từ tháng 6/2011 . Theo quy định, dự án sau 12 tháng chưa thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thu hồi. Chính vì vậy, trước thực trạng chậm tiến độ của công trình như hiện nay, phòng Xúc tiến đầu tư sẽ báo cáo lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư lập đoàn thanh tra cùng các cơ quan chức năng liên quan thanh kiểm tra dự án”.
Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi liệu dự án có thể hoàn thành khi mà tính pháp lí của dự án 150.000 tấn/năm vẫn còn và đến bao giờ dự án 500.000 tấn/năm mới được phê duyệt chính thức? và liệu công ty CP gang thép Sơn La có đủ năng lực để thực hiện dự án?.
Trước nghi ngờ chủ đầu tư thiếu năng lực trong việc thực hiện dự án, ông Cẩm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng: “Nhà máy gang thép Mường La nếu xây dựng quy mô nhỏ thì không có hiệu quả kinh tế. UBND tỉnh Sơn La đang yêu cầu chủ đầu tư lập đề án lại, cùng đó là việc kiểm tra, xem xét năng lực thực hiện dự án của doanh nghiệp này”.
Nguồn: dantri.vn