Sau động đất, hàng loạt nhà tái định cư bị hư hỏng
Mùa mưa bão đang đến gần, người dân Bắc Trà My (Quảng Nam) thêm lo lắng vì họ đang sống trong những căn nhà tái định cư kém chất lượng, lại bị động đất làm hư hỏng.  

 

 

 
Ông Hồ Văn Dúi cho biết người dân vẫn chưa hết lo âu vì phải tiếp tục sống trong căn nhà đã bị động đất gây hư hỏng.

Tuy nhiên, việc khắc phục sự cố động đất, sửa chữa nhà cho dân hiện vẫn chưa có phương án cụ thể. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang “kêu gọi” chủ đầu tư công trình thuỷ điện cần có động thái tích cực hơn trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, khắc phục sự cố do thiên nhiên gây ra.

Chất lượng của nhà tái định cư kém?

Căn nhà của bà Hồ Thị Thô (khu tái định cư thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) bị trận động đất hôm 3.9 “đánh” gãy cột ở mái hiên, nứt tường, trong khi căn nhà này lại nằm chênh vênh trên một quả đồi trông rất nguy hiểm. Mấy ngày qua, ban quản lý dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 cùng với chính quyền địa phương xây dựng lại cột nhà, thêm trụ gỗ chằng chống mái hiên cho bà Thô. Người dân xung quanh bàn tán nhiều đến căn nhà của bà Thô, bởi lẽ, họ hy vọng nhà của mình cũng được các bên liên quan khắc phục hư hỏng sau trận động đất vừa qua.

Hôm chúng tôi đến, nhiều người hàng xóm tập trung tại nhà bà Thô để phản ánh về hậu quả của động đất, bày tỏ nguyện vọng được chính quyền và ban quản lý thuỷ điện sửa nhà, hỗ trợ sinh kế làm ăn lâu dài. Ông Hồ Văn Dúi (cha ruột của bà Thô) nói: “Dân ở đây quá khổ vì thuỷ điện, tài sản của chúng tôi hiện chỉ còn những căn nhà này, bây giờ hư hỏng thì sống làm sao đây. Sau hơn bốn năm di dời, dân tái định cư bây giờ vẫn thiếu đất sản xuất, hệ thống nước sạch hư hỏng, cơ sở hạ tầng chẳng đâu vào đâu”.

Khu tái định cư Trà Đốc bị thiệt hại nhiều nhất do những trận động đất vừa qua. Theo UBND huyện Bắc Trà My, các trận động đất vừa qua đã làm cho 17 nhà dân, công trình xây dựng công cộng bị nứt, hư hỏng. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, mức độ thiệt hại không dừng lại bởi chất lượng công trình nhà cửa ở đây quá kém. Người dân cho biết do nhà tái định cư không đảm bảo chất lượng, nên sau động đất là bị hư hỏng hàng loạt như: nứt tường, đổ la phông, nứt kết cấu… Nhà của ông Hồ Văn Xé (thôn 3, Trà Đốc) bị nứt tường, cửa ngã đổ, mái tôn rách toạc… Theo ông Xé, động đất chỉ làm hư hỏng một phần, cái chính vẫn là do căn nhà này quá kém chất lượng, không đủ sức chịu đựng với mưa gió. “Mùa mưa bão đến rồi, chúng tôi không dám ở căn nhà này, chứ đừng nói đến phải chống chọi với động đất”, ông Xé bức xúc.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả

 

 
Vì nhà tái định cư bị hư hỏng nên vợ chồng ông Hồ Văn Xé phải tá túc trong căn chòi tạm bợ. Ảnh:

Tại cuộc họp với ban quản lý dự án thuỷ điện 3 (chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2) ngày 15.9, ông Nguyễn Đức Hải, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho rằng, Nhà nước và chủ đầu tư phải có trách nhiệm về hậu quả của động đất. “Trong khi chờ đợi kết luận của các nhà khoa học về nguyên nhân động đất và sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta không thể không làm gì để giải quyết hậu quả động đất. Bây giờ lực lượng xây dựng thuỷ điện cần phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát cụ thể từng nhà dân, tìm biện pháp sửa chữa”, ông Hải nói.

Theo ông Trần Xuân Thọ, trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam, người dân đang rất lo lắng vì họ phải sống trong những căn nhà bị hư hỏng sau động đất, nhất là mùa mưa bão đang đến gần. Do đó, ban quản lý dự án thuỷ điện cần nhanh chóng triển khai việc sửa chữa nhà, xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống vì “người dân ở đây cần cái cụ thể thì họ mới tin”. Còn ông Trần Xuân Vinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất, cần gấp rút có phương án di dời dân, ứng phó với sự cố xấu nhất, trong đó có sự vào cuộc của Quân khu 5. “Đến nay, bộ Xây dựng, bộ Công thương khẳng định đập thuỷ điện vẫn an toàn, nên không nhất thiết di dời dân, tuy nhiên, thực tế thì đây là vấn đề bức thiết, cần có sự chủ động khi sự cố xảy ra. Phải ràng buộc người ký quyết định tích nước là người phải chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra”, ông Vinh nói.

Ông Vũ Đức Toàn, phó trưởng ban quản lý dự án thuỷ điện 3 thống nhất với đề xuất của tỉnh Quảng Nam về việc phối hợp với chính quyền địa phương sửa chữa nhà dân bị hư hỏng do động đất và một số đề xuất về việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư của dự án thuỷ điện. Theo ông Toàn, đơn vị đã kịp thời sửa chữa nhà của bà Thô và tiếp tục khảo sát mức độ thiệt hại của người dân để tìm phương án khắc phục. Ngoài ra, đã chi trả kịp thời khoản hỗ trợ về lương thực theo cam kết 36 tháng cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, hiện đời sống của người dân tái định cư đang gặp nhiều khó khăn, cần tăng thời gian hỗ trợ lương thực thêm hai năm nữa để ổn định đời sống của người dân.

 

SGTT.VN

 

Các tin khác