Chuyển những công trình bất hợp lý thành công viên
Phần lớn các điểm di dời trong thời gian tới có diện tích nhỏ, chỉ vài nghìn m2 nên không thể quy hoạch thành công viên được. Các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại xây dựng không hợp lý trong nội đô có thể quy hoạch để phát triển công viên.  

 

Đó là nhận định của KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội. Theo ông, quy hoạch công viên trước tiên phải quan tâm đến chất lượng sống và nhu cầu của người dân. Qua đó Hà Nội cần lựa chọn điểm nóng nhất để quy hoạch công viên.

 

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 18 công viên, vườn hoa mới. Như vậy đến 2030 khu vực nội đô Hà Nội sẽ có tổng cộng 60 công viên, vườn hoa. Nhưng điều được dư luận quan tâm lúc này là Hà Nội sẽ quy hoạch những công viên, vườn hoa mới tại những vị trí nào để đạt hiệu quả cao nhất về kiến trúc cảnh quan cũng như nhu cầu của người dân.

 

Trao đổi với PV, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, điểm đáng lưu ý nhất trong quy hoạch là phải xác định được những điểm nóng để phát triển công viên, vườn hoa. Trong đó khu vực nội đô lịch sử vẫn trở thành vị trí đáng chú ý nhất trong quy hoạch.

 


Vườn hoa Lý Thái Tổ đang trở thành sân chơi lý tưởng cho người dân thủ đô. Ảnh HH

 

Ông Nghiêm đưa dẫn chứng về Công viên Yên Sở đặt ra nhiều mục tiêu, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó việc phát triển Vườn hoa Lý Thái Tổ lại rất thành công. Khu vực này đang trở thành sân chơi lý tưởng nhất cho người dân thủ đô. Bởi thế ông Nghiêm khuyến cáo, phát triển công viên, vườn hoa mới trước tiên phải quan tâm đến nhu cầu của người dân trước.

 

Để đạt mục tiêu phấn đấu về chỉ tiêu cây xanh, công viên đô thị cho khu vực nội đô đến năm 2030 sẽ đạt 5 – 7 m2/ người, ngoài phát triển hệ thống công viên cây xanh mới, Hà Nội sẽ triển khai nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công viên đang có trên cơ sở hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân bằng các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

 

Ngoài lựa chọn điểm nóng, để đạt mục tiêu trên, TS Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo đơn vị thực hiện quy hoạch công viên, vườn hoa phải xác định được cơ chế gắn kết. Chẳng hạn việc di dời các bệnh viện, trường học, trụ sở Bộ ngành, khu công nghiệp… cần lựa chọn từng vị trí để phát triển không gian công cộng.

 

“Đã là công viên phải có diện tích lớn hơn 3 ha. Phần lớn các điểm di dời trong thời gian tới có diện tích nhỏ, chỉ vài nghìn m2 nên không thể quy hoạch thành công viên được. Nhưng những vị trí này hoàn toàn có thể dành để phát triển thành các điểm vui chơi giải trí thông thường. Còn các vị trí khác như tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại xây dựng không hợp lý trong nội đô có thể quy hoạch để phát triển công viên” – ông Nghiêm nói.

 

Nhiều ý kiến nhận đinh, công viên đang phát triển theo mô hình đa chức năng, điển hình là thực trạng xây dựng bãi đỗ xe ở Công viên Thống Nhất mà dư luận lên tiếng phản ánh nhiều trong thời gian qua. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất nằm trong quy hoạch, và đã được cân nhắc rất nhiều. Đây là những bãi đỗ xe ngầm nên không ảnh hưởng đến diện tích cây xanh.

 

Tuy nhiên TS Đào Ngọc Nghiêm lại cho rằng, việc xây dựng bãi gửi xe trong công viên chỉ nhằm phục vụ lợi ích ngành chứ không phải lợi ích chung của thành phố. Ngoài ra bãi gửi xe “mọc” lên sẽ khiến quy hoạch công viên bị phá vỡ. Trong khi đó Hà Nội còn rất nhiều bãi đất hoang biến thành nhà hàng, quán nhậu hoàn toàn có thể quy hoạch thành bãi gửi xe, chứ không nhất thiết phải xây dựng trong công viên.

 

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị được thành phố giao thực hiện quy hoạch công viên, vườn hoa đến năm 2030. Trong quy hoạch cần nói rõ công viên, vườn hoa chỉ nhằm phục vụ mục đích vui chơi giải trí, hay vẫn có thể được dùng vào phát triển cho các mục đích khác.

 

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng yêu cầu: “Nâng cấp các không gian xanh hiện có, bổ sung thêm một phần quỹ đất trong các khu đất sau khi di dời các công sở, các cơ sở sản xuất công nghiệp …”.

 

Cụ thể hơn về nâng cấp không gian xanh hiện có, Thủ tướng nêu rõ: “Trong khu vực nội đô ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa. Xây dựng công viên giải trí và chuyên đề như: Công viên lịch sử Cổ Loa; công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, vườn thú, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì …; công viên sinh thái gắn với hoạt động thể thao; kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ”.

 

Nguyễn Dũng (Infonet)

 

 

Các tin khác