Phát triển không gian ngầm: Phải phối hợp đồng bộ
Tại Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị mới được tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều ý kiến xung quanh công tác khai thác và quản lý không gian ngầm theo hướng phát triển bền vững.  

 

 

Nhiều bất cập

Theo nghiên cứu thực trạng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật tại TP.HCM của ông Vương Hoàng Thanh - Phó trưởng BQL Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM thì hệ thống này đã và đang phát triển rất nhanh về số lượng và mỗi một lĩnh vực lại do một đơn vị quản lý khiến cho vấn đề ngầm hóa và phối hợp cùng nhau vận hành, quản lý các loại hạ tầng kỹ thuật và sử dụng phần ngầm cho các công trình xây dựng, giao thông khác trong không gian ngầm là rất bất cập. Trong khi đó, TP chưa có một sơ đồ hoặc bản đồ công trình ngầm hoàn chỉnh. Từ đó, dẫn đến các cơ quan quản lý lúng túng trong việc phê duyệt dự án, cấp phép thi công và kiểm tra công tác hoàn công. Do thiếu thông tin phần không gian ngầm nên công tác thiết kế công trình ngầm trở nên không đồng bộ, không chính xác dễ dẫn đến sự xung đột trong quá trình thi công...

Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Sở QH-KT TP.HCM cũng thừa nhận những tồn tại trên và cho biết thêm dù đã có một số quy định chung mang tính khung pháp lý cho công tác khai thác không gian ngầm nhưng về việc thiếu nhiều cơ sở pháp lý cụ thể mang tính chi tiết, sâu về công tác lập quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng… chưa có quy hoạch không gian xây dựng ngầm kịp thời phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị; quy chế quản lý xây dựng công trình ngầm chưa đủ, đồng bộ; tài chính, công nghệ, tri thức và kinh nghiệm còn thiếu nên hạn chế trong việc chủ động khi lập quy hoạch, xây dựng hệ thống không gian ngầm đa chức năng, để các hệ thống kết nối với nhau thành hệ thống hoàn chỉnh và phải phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài. Vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng là vấn đề “nóng” khi bàn tới đầu tư xây dựng hệ thống không gian ngầm. Những vấn đề khó khăn này dẫn đến nhiều công trình bị “ách” lại, xây dựng riêng lẻ, thiếu kết nối, thời gian thi công kéo dài và xảy ra một số rủi ro và sự cố kỹ thuật về nền móng.

Làm rõ mối quan hệ của phần mặt đất và phần ngầm

Vấn đề kết nối không gian ngầm với không gian nổi đã thu hút sự tham luận của nhiều chuyên gia, bởi khi có sự kết hợp chặt chẽ thì sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng của hai không gian đó, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường đô thị. Theo đó, TS Phạm Sỹ Liêm đưa ra một số ví dụ như phần nổi là bệnh viện thì phần ngầm sẽ là phòng khám, phòng lưu trú bệnh nhân, phần ngầm của quảng trường sẽ là bãi đậu xe… và sự kết nối này rất cần thiết cho lưu thông không khí và thoát hiểm. Chính vì thế, các chuyên gia đề nghị trong quy hoạch tổng thể cần dự kiến các lối ra vào của một vùng không gian ngầm, nhất là tại khu đô thị cũ vì chúng thường liên kết với nút giao thông đô thị.

Lấy Hà Nội làm dẫn chứng cụ thể, ThS Lê Vinh - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, do không gian ngầm chưa được quan tâm nghiên cứu và quy hoạch đồng bộ với việc tổ chức không gian trên mặt đất nên khi xây dựng các công trình tại hai không gian này luôn gặp phải sự chồng chéo, không tạo ra được mối liên kết hoặc liên kết không hợp lý, cản trở nhau gây nên sự phức tạp và tốn kém. Điển hình là tuyến đường sắt đô thị số 2, khi lập dự án xây dựng đã không nghiên cứu đồng bộ khiến cho công trình nhà cao tầng đã xây dựng trên hành lang của tuyến đường sắt này và phần móng nhà đã ảnh hưởng tới dự án xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2, vì vậy phải nghiên cứu điều chỉnh tuyến.

Một số chuyên gia cũng có ý kiến về việc cần lập quy hoạch xây dựng tại không gian nổi của tuyến Metro 1 (tuyến Suối Tiên - Bến Thành). TS Ngô Viết Nam Sơn phân vân: Hiện đã khởi động xây dựng tuyến đường sắt này nhưng chưa có quy hoạch phần nổi đi theo, như vậy sẽ không có thương mại đi theo thì chúng ta sẽ phải bù lỗ rất nhiều. Theo nguyên tắc này thì tuyến phố đi bộ ngầm kết nối với trạm metro tương lai của chợ Bến Thành với cụm công trình cao ốc Vincom đã và đang xây dựng tại TP.HCM và các cụm công trình cao ốc khác trong khu trung tâm TP là rất khả thi về mặt kinh tế, đồng thời giúp giảm kẹt xe khi TP phát triển theo chiều sâu và nén.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng phải thừa nhận: Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa thống nhất và không chi tiết, hệ thống hạ tầng hiện nay được quản lý riêng theo từng ngành, khiến cho các đô thị không có dữ liệu tổng thể về hệ thống hạ tầng của một đô thị. Việc này khiến cho công tác quy hoạch của các ngành không thống nhất, đầu tư chồng lấn không hiệu quả… Khung pháp lý quan trọng nhất về đất đai là Luật Đất đai lại chưa đề cập tới phần không gian ngầm đô thị, các khung pháp lý liên quan cũng chưa có hoặc đề cập không rõ ràng… làm hạn chế việc thu hút đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng khó khăn về giao đất… từ đó hệ thống giao thông tĩnh công cộng mặc dù đã được quy hoạch và nhu cầu ngày càng tăng nhưng vẫn không thực hiện được.

Tập trung hoàn thiện khung pháp lý

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Việc quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị một cách khoa học và hiệu quả là vấn đề không đơn giản. Công tác này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quy hoạch và triển khai, sử dụng không gian ngầm đô thị và cơ chế ưu đãi vào việc đầu tư xây dựng công trình ngầm. Chỉ đạo, tổ chức lập và thực hiện quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị và chỉ đạo triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu mới này.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, ông Olive Vion - Giám đốc điều hành Hội Không gian ngầm và Hầm quốc tế (ITA-AITES) khẳng định: Quy hoạch, quản lý không gian ngầm không chỉ là nhiệm vụ của kỹ sư, KTS mà phải bắt đầu từ các cơ quan lập hoạch định chính sách, lập quy hoạch và các cơ quan này phải có tầm nhìn xa về công tác này. Công tác nghiên cứu tính khả thi trước khi lập quy hoạch là rất cần thiết để đảm bảo các chức năng của công trình ngầm được sử dụng tối đa và bền vững. Với sự tham khảo kỹ lưỡng từ kinh nghiệm của các nước đi trước thì việc xây dựng công trình ngầm của Việt Nam là khả thi.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Khai thác không gian ngầm là nhu cầu tất yếu tại các đô thị. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị một cách khoa học, hiệu quả là vấn đề không đơn giản, do đó phải có phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý các cấp tới các văn bản quy phạm pháp luật và đội ngũ nhân lực.

 

Nguồn: baoxaydung.com.vn

 

Các tin khác