Trung Quốc tham vọng lấn biển
Đinh Đức Văn, thành viên Viện Công trình Trung Quốc và là một chuyên gia về biển, tiết lộ hơn 806 hòn đảo gần bờ biển Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất hay nói rõ ràng hơn, chúng trở thành một phần của đất liền.  

 

Cùng với việc gia tăng tranh chấp chủ quyền hải đảo với các quốc gia láng giềng, Trung Quốc cũng tăng cường lấn biển để giải quyết tình trạng thiếu đất tại các khu vực ven biển. Trên thực tế, cách thức này đã lên đến mức báo động, khiến ngày càng nhiều nhà môi trường và cư dân lo lắng về những nguy cơ tiềm tàng. 

 


Những tòa nhà tiếp tục mọc lên trên vùng đất khai hoang ở Macau

 

Thiếu đất - lấn biển

Thanh Đảo là một thành phố ven biển Hoàng Hải thuộc tỉnh Sơn Đông. Thành phố này đã lấn thêm 1/3 diện tích vịnh rộng 535km2 trong nửa thế kỷ qua. Cư dân Dương Cảnh Nguyên, 53 tuổi cho biết, nhà ông quay mặt ra biển nhưng bờ biển ngày càng bị đẩy ra xa hơn. “Khu vực này trải qua những thay đổi lớn, xưa kia đây là nơi thanh niên có thể chơi đùa với sóng biển thì nay đã thành một vùng nội địa”, ông Dương Cảnh Nguyên nói. Nhiều cộng đồng dân cư và nhà máy được xây dựng trên những vùng đất mới. 

Tình trạng lấn biển từ lâu đã thành thông lệ ở Trung Quốc. Trong nửa cuối thế kỷ 20, Trung Quốc không ngừng khai hoang, lấn biển thêm hơn 12.000km2, trung bình khoảng 240km2 một năm. Kể từ thập niên 90, khi ngành công nghiệp bất động sản cất cánh, đất khai hoang được dùng để phát triển công nghiệp và đô thị.
Lấn biển là một lợi thế để phát triển kinh tế mà không một thành phố ven biển nào có thể bỏ qua, bởi vì xét từ mọi khía cạnh, đây là giải pháp tiện lợi và kinh tế nhất sau hàng thập kỷ phát triển công nghiệp và mở mang đô thị nhanh chóng. Bởi vì, cách này không vấp phải rắc rối về công tác tái định cư, không phải ép buộc thu hồi đất, không phải bồi thường cho người dân sở tại và không phải trả một số tiền lớn phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Trong thập kỷ qua,  tình trạng khai hoang lấn biển ở Trung Quốc tăng mạnh. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010), hơn 700km2 đất liền được tạo ra hàng năm trên bờ biển phía nam và đông Trung Quốc, tương đương với diện tích Singapore. Trong đó, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông là một minh chứng. Nhiều vùng đất ven biển do con người khai hoang ở thành phố này đã phát triển thành đô thị lớn. 

Nguy cơ khó lường

Các dự án xây dựng trên những vùng đất khai hoang phát triển nhanh đến mức những thông tin cập nhật trên bản đồ trực tuyến không thể theo kịp. Diện tích đất lấn biển tại Thâm Quyến chiếm tới 38km2 trong đó có dự án mở rộng sân bay thành phố. Khi dự án hoàn thành, một vịnh sẽ hoàn toàn biến mất. Các chuyên gia cảnh báo, những dự án kiểu này không chỉ thay đổi cảnh quan và địa hình mà còn ảnh hưởng tới môi trường. Khi thông tin đầu tiên về đất lấn biển bị lún ở quận Bảo An, nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của dân chúng. Những con đường mới lát bị bong tróc và nứt, nhưng đáng sợ hơn, trụ một số tòa nhà xuất hiện các vết nứt lớn rộng tới 12cm. Trong khi đó, nhiều vùng đất khai hoang dần bị chìm xuống biển Bột Hải. 

Người dân sống trên vùng đất lún bắt đầu đặt nghi vấn về sự an toàn của những dự án kinh doanh như vậy. Dù vậy, hầu hết giữ thái độ im lặng vì sợ đất mất giá, nhiều người thậm chí lặng lẽ rao bán nhà. Điều đáng nói, xu hướng này không chỉ diễn ra ở Thâm Quyến mà còn hầu hết các thành phố ven biển của Trung Quốc. 
Các nhà bảo vệ môi trường bày tỏ lo ngại về sự biến mất của các khu vực đầm lầy. “Đây là một thảm họa đối với các loài chim di cư, giống như ô tô chạy trên một quãng đường dài không thể tìm thấy trạm đổ xăng”, nhà môi trường Phùng Vĩnh Phong thuộc tổ chức phi chính phủ Green Beagle đánh giá. Ông Phùng Vĩnh Phong cho biết, khu vực đầm lầy ven biển “hấp thụ” nhiều chất ô nhiễm trong nước, cho nên khi khu vực đầm lầy biến mất, nước cống và rác thải công nghiệp bị đẩy ra biển, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thủy triều đỏ. 

Đinh Đức Văn, thành viên Viện Công trình Trung Quốc và là một chuyên gia về biển, tiết lộ hơn 806 hòn đảo gần bờ biển Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất hay nói rõ ràng hơn, chúng trở thành một phần của đất liền.

 

Các tin khác