Khu vực vườn hoa, cây xanh đối diện các dãy nhà B1, B7, B9, A1, A11 và A12, thuộc khu vực Đầm Trấu, nằm dọc theo chân đê Nguyễn Khoái và bên dưới hành lang bảo vệ lưới điện đang được triển khai xây dựng bãi đỗ xe tĩnh.
Dân bức xúc
Dự án quy hoạch Khu đô thị Đầm Trấu, phường Bạch Đằng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 442/QĐ-TTg năm 1998. Trong đó quy định: Giao hơn 49.202m2 đất để đầu tư xây dựng khu nhà ở, còn lại hơn 10.495m2 đất làm hành lang bảo vệ đê và lưới điện cao thế. Đây là dự án thuộc diện ưu tiên chính sách, Chính phủ giao cho UBND Tp. Hà Nội thực hiện, Nhà nước và nhân dân đồng chủ đầu tư. Toàn bộ số tiền san lấp, đền bù GPMB để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án do 403 người thuộc diện chính sách được góp vốn đóng góp từ tháng 2-1993. Số tiền là 42 triệu đồng/suất, ngoài số tiền mua nền móng và nhà.
Sau đó, UBND Tp. Hà Nội đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Dự án bằng các Quyết định số 166 năm 1997 và số 1983 năm 2000.
Người dân đang mong được đối thoại về dự án này
Năm 2003, dự án được bàn giao cho UBND quận Hai Bà Trưng và phường Bạch Đằng quản lý nhưng còn các hạng mục chưa hoàn thành như: diện tích cây xanh 2.140m2, bãi đỗ xe và sân thể thao 5.000m2.
Tháng 11-2009, UBND Tp. Hà Nội có Công văn 10920/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long (Cty Thành Long) nghiên cứu lập dự án bãi đỗ xe tĩnh tại khu vực Đầm Trấu. Công văn nêu rõ: “Dự án đầu tư phải đảm bảo quy mô đỗ xe, vườn hoa, không xây dựng công trình nằm trong hành lang bảo vệ đường dây điện trên không”.
Tiếp đó, tại Công văn 3759 ngày 25-10-2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội “chấp thuận về nguyên tắc vị trí, ranh giới khu đất lập dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh khu vực bãi đỗ xe tĩnh kết hợp vườn hoa tại phường Bạch Đằng”. Diện tích bãi đỗ xe nằm trước các dãy nhà B1, B7, B9, A1, A11 và A12.
Mới đây, ngày 30-3-2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra thông báo thu hồi vị trí đất trên để thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh. Tiếp đó, ngày 10-4-2012, UBND quận lại có quyết định thành lập Tổ công tác GPMB để thực hiện dự án. Nhiều người dân khu Đầm Trấu không tán thành quyết định này nhưng ngày 14-4-2012, UBND phường Bạch Đằng đã cho dựng bảng quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh và đưa ra các văn bản pháp lý liên quan đến dự án.
Trong đơn gửi các các cấp chính quyền, nhiều người dân cho rằng, dự án này mang tính áp đặt, thiếu dân chủ và có dấu hiệu không bình thường. Người dân là đồng chủ đầu tư, thế nhưng khi triển khai xây dựng bãi đỗ xe họ không được hỏi ý kiến. UBND phường chỉ họp với tổ dân phố và đại diện các đoàn thể để lấy biểu quyết và quyết định.
Hơn nữa, bản quy hoạch do Cty Thành Long chưa đủ cơ sở pháp lý để thi hành và có nhiều điểm “vênh” so với văn bản của UBND thành phố và Nhà nước đã ban hành. Cụ thể, dự án nằm trong hành lang bảo vệ đường dây điện trên không. Ngoài ra, còn xâm phạm hành lang bảo vệ đê, có nhiều điểm đè lên chỉ giới đường đỏ xác định ranh giới hành lang đê.
Theo phản ảnh của người dân, dải đất triển khai làm bãi đỗ xe, trước đây là nơi đổ phế thải, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, còn là nơi tụ tập của các tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm, trộm cắp… ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Trước thực trạng đó, năm 2002, các hộ dân B1, B7, B9, A1, A11, A12 đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và công sức, vận chuyển hàng trăm tấn phế thải, sau đó đổ đất màu trồng cây xanh, tạo cảnh quan cho khu dân cư.
Người dân ở đây đã gửi nhiều đơn thư kiến nghị lên UBND quận Hai Bà Trưng, yêu cầu được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo quận nhưng đến nay nguyện vọng chính đáng này vẫn chưa được đáp ứng.
Cần thiết phải lấy ý kiến của người dân
Chúng tôi đã tìm gặp ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng. Ông Tuấn nói: “Chức năng của chúng tôi không phải là chủ đầu tư, mà chức năng của chúng tôi làm nhiệm vụ GPMB. Còn dự án thế nào, mục tiêu thế nào thì do thành phố quyết. Nguyên tắc của chúng tôi là thành phố đã quyết thì chúng tôi chấp hành”.
Được biết, tại Công văn số 4564/VPCP-TTg năm 1999 về việc xử lý tồn tại của Dự án khu nhà ở Đầm Trấu, nêu rõ: Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Dự án phải được bàn bạc với các hộ dân đã ký hợp đồng, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng và các quy định xây dựng hiện hành. Thế nhưng, UBND phường Bạch Đằng và quận Hai Bà Trưng hình như đã quên mất công văn này.
Một chuyên gia về đất đai cho rằng: Vấn đề ở đây là phải làm theo quy định của pháp luật về điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, phải đưa ra lấy ý kiến của dân. Hãy tin rằng nếu lấy ý kiến của toàn bộ cộng đồng dân cư khu vực Đầm Trấu thì chân lý sẽ rõ. Giải quyết tất cả những việc này phải thật khách quan, nếu bất kỳ cái gì đó không khách quan sẽ dẫn đến vướng mắc giữa chính quyền với người dân. Ý kiến phản ảnh của người dân là mong muốn chỗ ở của họ khang trang, có vườn hoa hơn là bãi gửi xe, đấy cũng là nguyện vọng mang tính hợp lý.
Thêm nữa, việc người dân cho rằng họ góp vốn từ dự án ban đầu cũng phải được làm rõ. Nếu người dân góp vốn ngoài việc làm nơi ở của người ta, còn để làm không gian công cộng trong dự án cũ thì họ có quyền ưu sách.
Đặc biệt, việc các hộ dân ở Đầm Trấu yêu cầu một cuộc đối thoại trực tiếp với UBND quận Hai Bà Trưng, quận nên đối thoại. Theo Luật Khiếu nại, tố cáo mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012, nếu người dân có kiến nghị, quận phải ra quyết định giải quyết.
Mong rằng một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa UBND quận Hai Bà Trưng và những người dân khu vực Đầm Trấu sẽ sớm được thực hiện để vụ việc được giải quyết dứt điểm.
Nguồn: Xahoi.com.vn