5.000 m2 đất mặt đường Trần Thái Tông của Vietcombank hiện là bãi trống quây tôn. Một số lô đất đắc địa của nhiều đơn vị khác thậm chí trở thành nơi trông giữ ôtô, sân bóng, cửa hàng thu gom phế liệu…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 33 khu đất được kiểm tra (trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, và Từ Liêm) có 19 khu đất bỏ hoang với tổng diện tích hơn 300.000 m2 và 10 khu đất sử dụng sai mục đích có diện tích gần 160.000 m2 ((làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ôtô....)
Trong số các khu đất bị bỏ hoang, Sở Tài nguyên đã phát hiện khu đất của Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở Khu đô thị mới Cầu Giấy với diện tích trên 5.000 m2. Đây là khu đất có vị trí đẹp ngay mặt đường Trần Thái Tông (đối diện Cung tri thức Thủ đô), tuy nhiên hiện chỉ là bãi đất trống được quây tôn.
Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, khu đất trên do Vietcombank trúng đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng trụ sở từ năm 2008, đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau 4 năm khu đất vẫn bị bỏ hoang.
Khu đất có vị trí đẹp rộng hơn 5.000 m2 của Vietcombank bị bỏ hoang.
Sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND Hà Nội giao UBND quận Cầu Giấy căn cứ Luật Đất đai, quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, biên bản bàn giao đất ngoài thực địa để xử lý thu hồi đất khu đất này theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Sở này, qua kiểm tra cho thấy khu đất bố trí trụ sở các Tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy (khu E) được giao tạm cho Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Láng Hạ - Thanh Xuân quản lý để điều tra lập phương án giải phóng mặt bằng; giao cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) để thực hiện dự án đền bù giải phóng mặt bằn và san nền tạm toàn bộ khu vực bố trí trụ sở các Tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy (khu E).
Tuy nhiên, Handico và Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân đã không báo cáo với đoàn kiểm tra về tình hình quản lý, sử dụng đất. Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số ô đất chưa sử dụng và sử dụng sai mục đích làm showroom bán ôtô, cửa hàng kinh doanh, nơi trông giữ xe ôtô, dịch vụ rửa xe ôtô, sân bóng đá mini...
Theo kiểm tra của liên ngành thành phố, dự án Khách sạn 5 sao tại xã Mễ Trì (Từ Liêm), sau khi giải phóng mặt bằng, khu đất rộng gần 46.000 m2 này đã bị chuyển thành sân bóng mini, bãi để xe và kinh doanh ăn uống, giải khát. Từ đầu 2010, thành phố đã lựa chọn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoa Sen tại vị trí này. |
Với những vi phạm trên, UBND Hà Nội đã giao Thanh tra thành phổ khẩn trương thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại một số dự án do Handico làm chủ đầu tư, kết luận, làm rõ việc quản lý, sử dụng đất sai mục đích đối với toàn bộ diện tích đất Handico được giao để giải phóng mặt bằng, san nền sơ bộ để bố trí trụ sở các Tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Thành phố cũng yêu cầu truy thu tiền cho thuê đất trái mục đích và nộp vào ngân sách thành phố và yêu cầu hoàn trả mặt bằng khu đất.
Đối với 10 khu đất bị sử dụng sai mục đích, UBND thành phố yêu cầu thanh tra việc quản lý, sử dụng đất. Đơn vị cho thuê sai mục đích phải chấm dứt việc cho thuê và nộp số tiền cho thuê sai mục đích vào ngân sách thành phố, hoàn trả lại mặt bằng đất sạch để chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư; đồng thời kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Các trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ đề xuất UBND thành phố chỉ đạo xử lý trách nhiệm hoặc thu hồi đất theo quy định.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm tại các quận, huyện, phải tiếp tục kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án đã được giao chủ đầu tư. Trong đó, phải đặc biệt chú ý các dự án được bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất cho thuê đất nhưng đến nay đã quá thời hạn 12 tháng vẫn để đất trống, chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích... Ông Khanh yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo xử lý trước ngày 15/8.
Theo ông Khanh, nếu dự án không triển khai được do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng, liên ngành thành phố phải đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Đối với các trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Vnexpress.net