Hà Nội quy hoạch các huyện vùng ven đô thị sinh thái, công nghệ cao
Khi quy hoạch các huyện này, UBND Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh điểm phát triển theo xu tăng diện tích xanh thành khu đô thị sinh thái và công nghệ cao.  

 

Huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Mê Linh, Thị trấn Trúc Sơn được định hướng sẽ thành các khu đô thị sinh thái, phát triển công nghệ cao về công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế…

 

Sau hơn một năm có quy hoạch chung, trong tháng 6 vừa qua Hà Nội liên tiếp đưa ra những quy hoạch chi tiết phát triển cho các huyện ngoại thành. Khi quy hoạch các huyện này, UBND Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh điểm phát triển theo xu tăng diện tích xanh thành khu đô thị sinh thái và công nghệ cao.

 

Đan Phượng: Chuỗi bệnh viện công nghệ cao

 

Hà Nội quy hoạch các huyện vùng ven đô thị sinh thái, công nghệ cao

 

Huyện Đan Phượng bao gồm 1 thị trấn và 15 xã với diện tích đất tự nhiên 7.736ha, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội. Dự báo tổng quy mô dân số huyện Đan Phượng đến năm 2030 khoảng 183.000 người, trong đó, khu vực đô thị khoảng 63.000 người, khu vực nông thôn 120.000 người.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, huyện Đan Phượng được xác định là phần phía Đông vành đai 4 là khu đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ công chất lượng cao về y tế, giáo dục thuộc phân khu đô thị S1; phần phía Tây vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh.

Đối với khu đô thị hướng phát triển đô thị sinh thái tập trung gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, tập trung phát triển dân cư mật độ cao. Đồng thời phát triển một tổ hợp dịch vụ công cộng với các bệnh viện cao cấp, đào tạo nghề dịch vụ du lịch, chuyển giao công nghệ…

Khu hành lang xanh, phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, vùng đa dạng sinh thái, vùng nông nghiệp năng suất cao; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị.

 

Thạch Thất: Đô thị trung tâm vùng phía Tây

 

Hà Nội quy hoạch các huyện vùng ven đô thị sinh thái, công nghệ cao

 

Huyện Thạch Thất bao gồm 22 xã và 1 thị trấn có diện tích đất tự nhiên khoảng 18.459ha. Dự kiến quy mô dân số toàn huyện đến năm 2030 khoảng 648.800-661.000 người.

Mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng huyện Thạch Thất trở thành trung tâm đô thị vùng phía Tây Hà Nội về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Từ đó khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động của huyện này.

Quy hoạch sẽ định hướng phát triển không gian đô thị và nông thôn, động lực phát triển đô thị, mô hình và hướng phát triển các hệ thống trung tâm, các khu vực dân cư nông thôn, tổ chức không gian kiến trúc cho các vùng cảnh quan, xác định phạm vi và quy mô các khu chức năng trên địa bàn huyện.

 

Quốc Oai: Đô thị khoa học, công nghệ đào tạo

 

Hà Nội quy hoạch các huyện vùng ven đô thị sinh thái, công nghệ cao

 

 

Huyện Quốc Oai nằm ở phía Tây thành phố, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 25km với diện tích nghiên cứu quy hoạch toàn huyện khoảng 14.700,62ha.
 
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, huyện Quốc Oai được định hướng phát triển là đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đồng thời định hướng phát triển là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo có chức năng hỗ trợ đô thị trung tâm và công nghiệp, dịch vụ, y tế, đào tạo.

Đây cũng là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và tâm linh, hỗ trợ phát triển cho khu vực nông thôn nằm trong hành lang xanh của thành phố.
 
Đối với khu vực nông thôn, gồm các xã còn lại, nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị được định hướng phát triển theo mô hình nông thôn mới đặc thù của Thủ đô theo hướng phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, khai thác các hoạt động phục vụ du lịch, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống...
 
Khu vực hành lang xanh khuyến khích phát triển các hoạt động du lịch, phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Thị trấn sinh thái Chúc Sơn được hình thành và phát triển mở rộng trên cơ sở địa giới thị trấn Chúc Sơn hiện nay và mở rộng ra các xã Phụng Châu, Tiên Phương, Ngọc Hòa, Thụy Hương, Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) và phường Biên Giang (quận Hà Đông).

 

Thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ): Thị trấn sinh thái
 
Quy mô quy hoạch thị trấn sinh thái này đến năm 2030 gồm: Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1.821ha; diện tích xây dựng đô thị tối đa 1.300ha; dân số đến năm 2030 khoảng 4,5 vạn người, dân số khống chế tối đa 5,3 vạn người.
 
Theo quy hoạch chung, đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, thị trấn sinh thái Chúc Sơn là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Chương Mỹ. Thị trấn là trung tâm y tế tập trung với các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo y dược, cơ sở sản xuất nghiên cứu y dược và trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, phát triển giáo dục đại học, cao đẳng tập trung; cung cấp các dịch vụ công cộng hỗn hợp, hỗ trợ vùng nông nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và khu dân cư nông thôn; phát triển thị trấn sinh thái gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương này.
 
Mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai, lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập danh mục các chương trình đầu tư, dự án chiến lược, kiểm soát phát triển và quản lý đô thị.

 

Mê Linh: Hành lang xanh của Hà Nội

 

Theo quy hoạch, Huyện Mê Linh có 16 xã và 2 thị trấn, diện tích đất tự nhiên là 14.251ha. Theo quyết định được duyệt, huyện Mê Linh sẽ là khu vực phát triển đô thị dịch vụ gắn với nông nghiệp công nghệ cao, là vành đai xanh của thành phố, đô thị công nghiệp sạch đa ngành; tập trung các đầu mối giao thông, trung tâm thương mại, dịch vụ, y tế cấp vùng.
 
Thời gian lập quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2013. Dự kiến quy mô dân số đến năm 2030 là 480.000 người.

 

Nguồn: dantri.vn

 

Các tin khác