Sau một thời gian xử lý kiên quyết đối với những trường hợp xây dựng sai phép bằng biện pháp “cắt ngọn” công trình, thành phố Hà Nội lại đối mặt với tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra nghiêm trọng ở cả nội thành và ngoại thành. Điều đáng nói là nhiều công trình vi phạm có sự bảo kê của chính quyền địa phương. Liệu những cán bộ sai phạm trong lĩnh vực này có bị xử lý nghiêm hay không, đó là điều mà dư luận quan tâm.
Có sự bảo kê của chính quyền
Tòa nhà Lạc Hồng gồm 10 tầng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nhân Chính liên doanh với Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ điển hình về sai phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng ở Thủ đô, vì nó được xây trên đất nông nghiệp, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, chưa nộp tiền sử dụng đất và chưa có sổ đỏ.
Cao ốc số 4 Đặng Dung, Hà Nội trước khi bị xử lý sai phạm |
Điều đáng nói là để giúp chủ đầu tư xây tòa nhà này, UBND quận Thanh Xuân đã bất chấp pháp luật để cấp phép sai quy định. Thế nhưng, khi sự việc vỡ lở, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội phanh phui thì UBND quận Thanh Xuân và chủ đầu tư chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tòa nhà này sau hơn 2 năm vi pham trật tự xây dựng, đến nay vẫn tồn tại như thách thức dư luận.
Một người dân ở quận Thanh Xuân cho biết: “Đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mà được xây dựng mới “tài” chứ. Mà quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng, thế nên Sở Tài nguyên Môi trường mới phát hiện ra. Quận Thanh Xuân còn ký với công ty Lạc Hồng là sau khi xây xong tòa nhà này cho quận 1 đến 2 sàn mà, việc đấy là vi phạm rất nghiêm trọng.”
Một công trình xây dựng khác tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm vừa được cơ quan chức năng làm rõ cũng cho thấy có sự bảo kê của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ đầu tư công trình này được Sở Xây dựng cấp phép xây 3 tầng hầm, 9 tầng nổi để làm nhà ở kết hợp văn phòng làm việc, nhưng đã xây dựng tới 14 tầng. Để hợp thức hóa vi phạm, UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đều có văn bản đề nghị Sở Xây dựng cấp phép điều chỉnh bổ sung để chủ đầu tư được nâng tầng làm bảo tàng tư nhân.
Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra vi phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đã phát hiện 4 sai phạm của Sở Xây dựng trong cả 2 lần cấp phép cho công trình vừa nêu.
Thứ nhất, vi phạm quy chuẩn xây dựng Việt Nam vì không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện khoảng lùi cho công trình. Thứ 2, chỉ tiêu quy hoạch trong giấy phép không phù hợp với thỏa thuận của Sở Quy hoạch kiến trúc. Thứ 3, không quy định chỉ giới xây dựng và chiều cao tối đa cho công trình. Thứ 4, cấp phép xây dựng trên 9 tầng tại khu vực trung tâm thành phố là không tuân thủ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Ông Trần Trọng Dực còn cho biết thêm: “Lẽ ra các cơ quan Nhà nước khi thấy chủ đầu tư sai phạm thì phải cùng nhau bàn biện pháp để xử lý cho triệt để, nghiêm túc. Nhưng thay vào đó lại bàn cách hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư thì cố tình sai phạm. Sở Xây dựng làm trái các quy định của pháp luật để cấp phép cho chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng. Lực lượng thanh tra và chính quyền địa phương từ thành phố đến cơ sở buôn lỏng quản lý nhà nước và có động thái tiếp tay, dung túng, hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư”.
Đây mới chỉ là 2 trường hợp điển hình trong số 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn Thủ đô trong hơn 2 năm qua. Trong đó 1.104 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và gần 600 trường hợp xây dựng không phép, sai phép.
Phải kiên quyết xử lý để lập lại trật tự
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra nghiêm trọng như vậy nhưng tại một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý Nhà nước về lĩnh vực này) lại đổ lỗi cho công tác tuyên truyền: “Việc bộc lộ các vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian vừa qua cho thấy rằng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt là công tác quản lý trật tự xây dựng đến các tổ chức và công dân còn chưa liên tục, sâu sắc nên việc cố tình vi phạm và việc giải quyết các vụ việc vi phạm còn chậm trễ, thiếu tính quyết liệt và chưa xác định hết trách nhiệm”.
Năm 2007, thành phố Hà Nội Nội đã “cắt ngọn” một số công trình xây dựng sai phép như nhà số 4 Đặng Dung, 2/31 Nguyễn Chí Thanh và số 9 Đào Duy Anh… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nghiêm trọng hơn là do có sự “bảo kê” của chính quyền cơ sở. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng chỉ là “cực chẳng đã” nhưng nếu không kiên quyết thì không thể nào chấn chỉnh, lập lại trật tự được.
Ông Phạm Quang Nghị cho biết: “Tới đây việc cắt gọt công trình là không thể không làm mà làm là vi lợi ích chung. Bên cạnh những cái sai của chủ công trình, cũng có những cái sai từ thành phố đến cơ sở, thậm chí có những trường hợp thanh tra của Bộ cũng bao che. Những trường hợp đã rõ phải tập trung xử lý, xử lý đồng thời cả phía chủ đầu tư lẫn cán bộ, công chức và những người có liên quan”.
Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường quản lý trật tự xây dựng, thực hiện thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, xử lý nghiêm những cán bộ bảo kê cho những vi phạm trật tự xây dựng. Liệu những công trình xây dựng sai phép, những cá nhân cố tình làm sai có được xử lý hay không? Dư luận đang chờ câu trả lời từ chính quyền Thành phố./.