Xuất phát từ sự phát triển, nhu cầu nắm bắt và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng giao Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Báo Xây dựng tổ chức triển lãm quốc tế công nghệ xây dựng- VIETCONSTECH 2012. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành xây dựng nói chung, các đơn vị tham gia triển lãm nói riêng. Ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, đồng thời là phó Ban chỉ đạo tổ chức Triển lãm quốc tế Công nghệ xây dựng 2012 đã trả lời phỏng vấn Báo CCB Việt Nam xung quanh sự kiện này.
PV: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức triển lãm quốc tế Công nghệ xây dựng 2012 là gì?
Ông Bùi Trung Dung: Triển lãm quốc tế Công nghệ xây dựng 2012- VIETCONSTECH - 2012 là triển lãm công nghệ trong lĩnh vực xây dựng được tổ chức tại TP Hà Nội, nhằm giới thiệu năng lực, thành tựu về công nghệ xây dựng của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thi công, kiểm soát chất lượng xây dựng, sản xuất và cung cấp thiết bị, vật liệu xây dựng mới, phần mềm công nghệ… Thông qua triển lãm, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có sự đánh giá và cập nhật các công nghệ xây dựng tiên tiến để điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ xây dựng. Triển lãm là cơ hội cho các đơn vị và các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và xúc tiến các hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ.
PV: Xin ông cho biết về quy mô, kế hoạch tổ chức của triển lãm quốc tế Công nghệ xây dựng 2012?
Ông Bùi Trung Dung: Triển lãm dự kiến diễn ra trong 3 ngày: Từ ngày 27-6-2012 đến ngày 29-6-2012 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam với nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học, các chương trình tư vấn, chuyển giao về công nghệ, kỹ thuật mới, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thi công…
Đây là triển lãm quốc tế Công nghệ xây dựng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, triển lãm tập hợp khá đa dạng công nghệ các loại hình công trình xây dựng nên Bộ Xây dựng mời các Bộ, như: Bộ Khoa học – Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Công thương và Bộ Giao thông -Vận tải cùng tham gia phối hợp chỉ đạo. Đây là triển lãm do cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức cho nên cần tiết kiệm, tránh lãng phí, kinh phí triển lãm được xã hội hóa nên cần sự đồng thuận của các doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 80 doanh nghiệp tham gia triển lãm, trong đó có 30 doanh nghiệp nước ngoài; 10 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, phần còn lại là hơn 40 doanh nghiệp trong nước. Các lĩnh vực công nghệ xây dựng gồm: các công nghệ xây dựng dân dụng, công nghệ xây dựng công trình thủy và thủy lợi; công nghệ xây dựng các công trình giao thông cầu đường và đặc biệt còn có sự góp mặt của các Tập đoàn xây dựng nước ngoài về công nghệ điện nguyên tử, Metro ( xây dựng đường tầu điện ngầm)… đến thời điểm hiện tại đã có sự hiện diện của những tập đoàn lớn trong nước cũng như trên thế giới. Ở trong nước có Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Tập đoàn Sông Đà); liên doanh Việt – Nga VIETSOVPETRO; Tông Công ty Cp Xuất nhập khẩu và xây dựng Vinaconex; Công ty Cổ phần Nền móng và Công trình ngầm FECON… còn với các nước ngoài đã có sự có mặt của Tập đoàn SUMITTOMO MITSUI Construction Co., LTD; SHIMIZHU (Nhật); BAUER (Đức), LSK (Nga)…
Các loại hình công nghệ với sự đa dạng các lĩnh vực, trong đó có thể đến một số công nghệ đặc thù và lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như: Thi công nhà máy điện nguyên tử( Jined), tàu điện ngầm( Shimizhu), tường vách kính nhà siêu cao ( viễn đại) …
Triển lãm lần này còn có sự tài trợ của Ban tổ chức để tham gia của một số trường đại học kỹ thuật xây dựng trong nước có chuyên ngành liên quan, như Đại học Xây dựng; Đại học Kiến trúc Hà Nội; Đại học Giao thông- Vận tải, Đại học Hàng Hải Việt Nam, Đại học Mỏ địa chất… Đây là cơ hội tốt cho sự giao lưu giữa doanh nghiệp với các Giảng viên Đại học là nguồn Chuyên gia chuyển giao công nghệ rất hiệu quả, doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi giới thiệu công nghệ với sinh viên. Các doanh nghiệp có dịp tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao, còn các sinh viên có cơ hội được tiếp cận với công nghệ mới, tiếp cận với các doanh nghiệp có uy tín, có thể sẽ là cơ hội việc làm cho các em sau khi ra trường. Ngoài ra, triển lãm lần này còn có sự tham gia của các viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
PV: Để cuộc triển lãm diễn ra đúng tiến độ và có tiếng vang đối với dư luận trong nước cũng như trên thế giới, công tác truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng. Vậy, công tác truyền thông của Ban tổ chức đến thời điểm này được triển khai như thế nào?
Ông Bùi Trung Dung: Có thể nói rằng, đối với việc tổ chức triển lãm nói chung, triển lãm về VIETCONSTECH nói riêng thì công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng đóng góp vào thành công của Triển lãm. Thực hiện cuộc triển lãm này, chúng tôi rất được sự ủng hộ của các đơn vị bảo trợ truyền thông trong nước, như Báo Xây dựng, VOV, INFOTV, VietNam Investment Review… và được một số hãng truyền thông nước ngoài bảo trợ và tài trợ cho triển lãm. Từ đầu năm 2012 cho đến khi diễn ra triển lãm sẽ luôn có sự cập nhật tin tức và đưa lên các trang báo giấy cũng như báo điện tử. Trong những ngày diễn ra cuộc triển lãm, ước tính có khoảng 100 phóng viên đến đưa tin. Kết thúc triển lãm, chúng tôi sẽ phát hành cuốn Kỷ yếu của triển lãm bằng sách và trên trang thong tin điện tử của triển lãm, trang thông tin sẽ được kết nối với các trang thong tin của các Bộ có tham gia chỉ đạo. Trang thong tin này rất thuận tiện cho tra cứu và tải thông tin về các doanh nghiệp tham gia triển lãm.
PV. Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này và xin chúc cuộc triển lãm thành công tốt đẹp!
Bài và ảnh: Quốc Hưng