Bất lực với nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường?
 

Từ cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ xe và sai quy hoạch… đến hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức quy hoạch… là những thực trạng đáng lo ngại đối với việc quản lý lòng đường, vỉa hè diễn ra tại các thành phố lớn.

 

Lộn xộn, nhốn nháo

Thực tế tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội cũng như một số thành phố lớn diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố đi theo chiều hướng tiêu cực.Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 15/2/2012, hàng trăm điểm trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè, dưới lòng đường tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trên một số tuyến phố bị cấm, khá nhiều điểm trông giữ xe vẫn hoạt động bình thường. Nhất là trong thời điểm mùa hè, tình trạng đỗ xe tràn lan ra lòng đường tại những quán bia hơi, giải khát, quán ăn vỉa hè… ở những thành phố lớn diễn ra khá nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, giao thông. Bức xúc về tình trạng này, nhiều người dân cho rằng: Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán từ lâu nay vẫn không quản lý được nên hàng quán cứ mặc sức bung ra. Cơ quan chức năng như trật tự, tổ dân phố, công an phường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý, thu giữ các vật dụng để buôn bán thì các hộ kinh doanh toán loạn thu dọn ngay lúc đấy, khi đi khỏi thì họ lại tràn ra. Cuối cùng, người dân tham gia giao thông vẫn khổ mà bộ mặt thành phố vẫn nhếch nhác; đường dành cho người đi bộ thì ngang nhiên bị chiếm, giao thông vốn ách tắc càng thêm tắc nghẽn.

Ông Trần Văn Thành (Phường Trung Liệt) bày tỏ: Vỉa hè dù lớn hay nhỏ hiện nay đều bị lấn chiếm, vi phạm nhưng rất khó xử lý. Đơn cử như khu vực vỉa hè tại đường Đặng Tiến Đông nơi tiếp giáp giữa hai phường Trung Liệt và Quang Trung – Quận Đống Đa, tình trạng họp chợ cóc diễn ra hàng ngày. Khi có lực lượng chức năng của 1 trong 2 phường đến dẹp bỏ thì người dân lại nháo nhào vác đồ chạy sang khu vực của phường kia. Và tất nhiên, nếu không thuộc địa phận của phường mình thì cơ quan chức năng cũng đành nhìn thôi, chứ phạt sao được. Không chỉ có thế, mặc dù đã có quy định điểm đậu đỗ xe trên vỉa hè, nhưng người đi bộ vẫn thấy lạc lõng khi chẳng thể được đi trên phần vỉa hè dành cho người đi bộ… Nói chung là nhiều bất cập lắm, biết bao giờ xử lý cho hết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng thắc mắc về mức phí sử dụng lòng đường và mức thu phí trông giữ phương tiện giữa Hà Nội và TPHCM chưa thống nhất. Một người dân bày tỏ: Theo tôi được biết thì phí sử dụng lòng đường vỉa hè Hà Nội thu 25 nghìn đồng/m2 và 45 nghìn đồng/m2 trong khi TPHCM chỉ là 12 nghìn đồng/m2 do các quận cấp lệ phí. Phí trông giữ xe ôtô ở Hà Nội trung bình là 30 nghìn đồng/lần còn ôtô gửi ở TPHCM là 5 nghìn đồng/lượt xe… Mới điểm qua đã thấy việc thu phí cũng lộn xộn rồi.

 

 

Phát hiện nhiều cái sai

Những bất cập nêu trên mới chỉ là một số bất cập trong hàng loạt vi phạm mà đoàn thanh tra Bộ GTVT phát hiện được quacông tác thanh tra vỉa hè, lòng đường tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Trong lần trả lời báo giới gần đây, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT đã cho biết: “Qua công tác thanh tra đã thấy nổi lên rất nhiều bất cập, từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch…

Công tác thanh tra cũng cho thấy một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng lại chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ… Việc phân chia chức năng nhiệm vụ cho các sở hai thành phố đều chưa rõ ràng, thậm chí còn chồng chéo, chưa đúng chuẩn.

Ngoài ra, việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của hai thành phố chưa xuyên suốt nhất quán trong từng thời kỳ, manh mún ở từng việc. Cụ thể như việc trên cùng một tuyến đường, có thời điểm thì cho phép, thời điểm sau cấm, sau đó ít lâu lại cho phép trông giữ… Việc thay đổi liên tục làm cho thói quen sử dụng lòng đường hè phố không thành nếp. Tuy nhiên qua đợt thanh tra cũng cho thấy, sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn là sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định”.

Ông Sỹ cũng thẳng thắn cho biết:Quy hoạch chi tiết bến bãi, điểm đỗ xe Hà Nội đã có trong khi TP.HCM đang thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch ở đơn vị cơ sở lại không tuân theo quy hoạch chung của thành phố. Hệ thống quy hoạch liên tục thay đổi, thậm chí nhiều quận huyện ít biết quy hoạch điểm đỗ xe do chưa thực hiện và công tác quy hoạch thiếu và yếu. Trong quy hoạch và trong cấp phép xây dựng có nói rõ các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi có điểm đỗ xe… Nhưng hiện nay vẫn có quá ít tòa nhà làm được điều này. Thiết kế xây dựng có bố trí đầy đủ các điểm đỗ xe nhưng quá trình thi công, quá trình sử dụng các chủ sở hữu đã cố tình thay đổi. Cụ thể, đoàn thanh tra kiểm tra 80 nhà cao tầng ở TP.HCM thì có 16 tòa nhà đủ điều kiện phục vụ điểm đỗ xe, 6 tòa nhà không có điểm đỗ, số còn lại không đáp ứng được yêu cầu đỗ xe nên đã đẩy áp lực đỗ ra cả lòng lề đường. Vì vậy, theo tôi cần làm nghiêm túc ngay từ khi phê duyệt dự án và có kiểm tra giám sát cũng như có chế tài hợp lý.

Thực trạng vi phạm thì vậy, tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm do lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại các cấp phường, quận lại rất ít. Cụ thể, ở Hà Nội có tới 4.000 điểm kinh doanh buôn bán và hàng trăm điểm tự phát nhưng số vụ xử lý chỉ vài 300 vụ. TP.HCM một năm cũng chỉ xử lý được 20 – 30 vụ trong khi có tới hơn 2.000 điểm buôn bán kinh doanh (chiếm tỷ lệ 1%)… Do vậy, nên chăng chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản của tất cả các cơ quan để hợp nhất và tính toán cụ thể cũng như sửa đổi các Nghị định, Thông tư có liên quan đến vỉa hè, lòng đường do không phù hợp với thời điểm này.

Tại Hà Nội có một số điểm đã quy hoạch làm điểm đỗ xe xây dựng rồi nhưng lại không sử dụng đúng mục đích thực hiện như: Điểm tại Thư viện quốc gia đang thành quán café Trung Nguyên; Điểm tại ngã ba Đinh Lễ -Ngô Quyền cũng như tại ngã tư Khâm Thiên- Lê Duẩn cũng đang bị khai thác sử dụng sai mục đích...
 

Nguồn: Báo Xây dựng điện tử

 

Các tin khác