Bộ trưởng Thăng "dọa" thay nhà thầu tên tuổi
"Nhà thầu nào không làm được phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký" - Bộ trưởng khẳng định.  

 

 Bộ trưởng Đinh La Thăng phản ứng khá gay gắt với các nhà thầu tên tuổi tại cuộc họp tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài của Bộ Giao thông vận tải.

Xứng tên?

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khởi công từ tháng 9/2009 tới nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 26,9%. Dự án này chia thành 8 gói thầu xây lắp, nhà thầu Posco E&C trúng 3 gói A1 đến A3, KeangNam trúng A4,A5 và Doosan trúng 1 gói thầu A6. Cả ba nhà thầu này đều đến từ Hàn Quốc và có tên tuổi. Nhà thầu Trung Quốc là Guaxing (Công ty cầu đường Quảng Tây) trúng gói A7.

Trong số này chỉ có duy nhất gói A7 chậm tiến độ (đạt 15,14%). Còn nhà thầu Posco cũng đã từng thay giám đốc dự án A1, A2. KeangNam thay giám đốc dự án 3 lần cho gói A5.

Các nhà thầu của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đã chậm tiến độ từ 13,18% tới 58,29%.


Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khởi công từ tháng 9/2009 tới nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 26,9% (Báo Người lao động)

 

Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh - đơn vị quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khẳng định, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhau khi thực hiện dự án.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đặt vấn đề thẳng, vậy tại sao lại chậm tiến độ. "Nhà thầu nào có yếu kém gì thì cần phải nói rõ ra vì buổi họp này có Đại sứ quán Hàn Quốc và Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc cũng có mặt tại đây nghe" - ông Thăng nói và cho rằng, mốc hoàn thành là năm 2013 sắp đến rồi, nói mãi rồi mà các nhà thầu làm thế có xứng đáng không? Có nên để Posco làm không?

Câu hỏi này làm vị Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh bối rối. Theo ông Mai Tuấn Anh, nhà thầu đã không thực hiện được như thương hiệu của mình, nhà thầu chính vẫn phụ thuộc vào các nhà thầu phụ Việt Nam. "Đưa giám đốc ra khỏi dự án đã là một hình thức xử lý cao, mời chủ đầu tư sang đàm phán lại… chúng tôi đã làm cả" - ông Tuấn Anh nói.

Chưa bằng lòng với câu trả lời này, Bộ trưởng Thăng đặt câu hỏi: cùng là chủ đầu tư với dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nhưng tại sao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai lại làm kém?

Đáp lại, Tổng giám đốc Posco tại Việt Nam cho rằng, đó là do giải phóng mặt bằng chậm trễ, đơn giá thay đổi và muốn được tạm ứng vốn cho dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai. "Cuộc họp này tôi mong tìm ra được giải pháp chứ không phải là cuộc họp nhằm đổ lỗi cho bất kỳ đơn vị liên quan nào" - vị này nói.

Theo Bộ trưởng Thăng, đây không phải là việc muốn hay không muốn mà năm 2013 phải hoàn thành cao tốc Nội Bài - Lào Cai. "Tại sao cùng điều kiện, giải phóng mặt bằng, vốn mà nhà thầu Trung Quốc làm được, nhà thầu Hàn Quốc lại không làm được? Tại sao cao tốc Long Thành - Dầu Giây Posco làm được mà Nội Bài - Lào Cai không làm được?" - Bộ trưởng đặt loạt câu hỏi.

Đồng thời, ông Thăng yêu cầu Posco nên tự kiểm điểm những tồn tại của chính mình. Posco nói không đổ lỗi nhưng lại trưng ra cả loạt nguyên nhân.

Về nguyên nhân thời tiết, "các nhà thầu khi đấu thầu ở Việt Nam thì phải biết được điều kiện thời tiết ở đây như thế nào chứ?" - ông Thăng bày tỏ sự không hài lòng.

Sẵn sàng thay thế nhà thầu

Tại cuộc họp, đại diện tư vấn của dự án Nội Bài - Lào Cai Gentisa (Tây Ban Nha) cho hay, dự án này nhà thầu chính ký giá thấp với nhà thầu phu, tới khi thực hiện dự án nhà thầu phụ lại không tính tới trượt giá, chưa kể năng lực yếu kém.

Một nguyên nhân chậm tiến độ khác, theo đơn vị tư vấn này, là do nhà thầu chính ký quá nhiều với nhà thầu phụ, cá biệt thành phần dự án ký với 20 nhà thầu phụ trong khi Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) - đơn vị cùng thực hiện dự án Nội Bài - Lào Cai chỉ có 3 nhà thầu phụ, tự bản thân họ làm rất nhanh.

Ngoài ra, có nhiều sai sót kỹ thuật trong dự án Nội Bài - Lào Cai, tư vấn và nhà thầu mất thời gian để làm lại.

Đơn vị tư vấn này cũng cho hay, cả tuần nhà thầu chỉ làm được 70m3 bê tông. "Nếu điều này xảy ra tại Tây Ban Nha, Hàn Quốc hay Trung Quốc thì chỉ huy trưởng công trường sẽ bị đuổi ra khỏi dự án" - vị này khẳng định.

Về nguyên nhân thời tiết, cũng như ông Thăng nói, tư vấn cho rằng nhà thầu cần nghiên cứu trước khi đấu thầu dự án. Trong hợp đồng cũng quy định, nếu thời tiết xấu hơn trong vòng 10 năm qua thì nhà thầu được phép kiện lại với những thông số cụ thể từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia.

Kết thúc cuộc họp, ông Thăng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án, nhưng cả ba dự án trên đều là dự án trọng điểm trong ngành giao thông. Đây cũng toàn là nhà thầu danh tiếng, nếu không nghiêm túc đánh giá lại nguyên nhân, rút kinh nghiệm mà cứ đổ lỗi cho người khác thì không bao giờ cải thiện được tiến độ. Hơn nữa, đây chính là danh dự của các nhà thầu.

"Nhà thầu nào không làm được phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký" - Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các dự án, các Ban quản lý dự án nếu thấy nhà thầu nào năng lực quá yếu, không thể đáp ứng thì thay thế.

"Thời gian tới sẽ có kiến nghị tới nhà tài trợ trong việc bỏ giá thầu và lựa chọn nhà thầu, đồng thời, Bộ GTVT sẽ gửi thư tới công ty mẹ ở chính quốc, đề nghị tăng cường năng lực để đưa ba dự án trên về đúng tiến độ" - ông Thăng khẳng định./.

 

Nguồn: toquoc.vn

 

Các tin khác