Đại lộ nghìn tỷ sụt lún, bao giờ 'cứu' xong?
Dự án Đại lộ Đông tây được tiến hành nghiên cứu khả thi từ năm 1997. Bản kế hoạch dự án được thành lập từ tháng 1 đến tháng 09/1999 do SAPROF (Special Assistance for Project Formation) tư vấn có tổng mức đầu tư là 9.864 tỷ đồng.  

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM cho rằng phương án xử lý lớp nhựa mặt đường để “cứu” Đại lộ Đông Tây là không thuyết phục

Việc sửa chữa trên đại lộ Đông Tây những ngày qua được cho là cách làm tạm thời cho đến khi có quyết định chính thức của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.

2 năm vẫn chưa khắc phục được

Như VietNamNet đã thông tin, tình trạng sụt lún, trồi nhựa trên Đại lộ Đông Tây, tuyến đường hiện đại nhất của TP.HCM được đầu tư hơn 13.400 tỷ đồng đang vô cùng thê thảm. Đáng lưu ý hơn, sau gần 2 năm cùng nhiều lần được sửa chữa, tình trạng này vẫn không hề biến chuyển khả quan.

Tình trạng sụt lún, trồi nhựa trên tuyến đường hiện đại nhất TP.HCM.

 

Theo đó, Đại lộ Đông Tây đoạn từ đường Đồng Văn Cống (trước là Liên tỉnh lộ 25B) đến nút giao Cát Lái được đưa vào sử dụng từ tháng 08/2010. Tuy nhiên, không lâu sau đã xảy ra hiện tượng lún và trồi nhựa.

Ban Giao thông - Đô thị đã báo cáo UBND TP.HCM, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về tình hình và yêu cầu nhà thầu, tư vấn tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để.

Riêng đoạn đường Đại lộ Đông Tây từ Đồng Văn Cống đến Lương Định Của, việc sữa chữa khắc phục tình trạng lún, trồi nhựa đã được tiến hành 3 lần. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần sửa chữa, tình trạng cũ lại nhanh chóng xuất hiện.

Theo ghi nhận của VietNamNet vào sáng ngày 23/05, kỹ sư của nhà thầu Obayashi-Nhật Bản đã cho công nhân tiếp tục tiến hành cắt bỏ các khu vực trồi nhựa và thảm bù nhựa vào các khu vực bị lún thành rãnh sâu.

Một kỹ sư cho biết, đây cũng là cách mà họ đã làm trong những lần sửa chữa trước, khó có thể giải quyết triệt để các hư hỏng hiện tại trên mặt đường.

Phương án mới không thuyết phục

Trong một cuộc họp với UBND TP.HCM, ông Lương Minh Phúc Trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố từng khẳng định sẽ khắc phục xong vào quý I/2012. Tuy nhiên, mới đây ông Phúc cho biết dự kiến công tác khắc phục triệt để sẽ hoàn thành trong quý III năm nay.

Theo đó, Ban quản lý dự án cũng đã thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan và dự kiến tháng 6 sẽ có kết quả.

Do tình trạng hư hỏng ngày càng nặng của Đại lộ Đông Tây, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã yêu cầu các bên liên quan đề xuất phương án xử lý triệt để. Phương án mới đây được đề xuất là thay lớp bê tông nhựa mặt đường bằng lớp bê tông xi măng tại khu vực giao lộ đại lộ Đông Tây - Lương Định Của.

Phương pháp xử lý lớp nhựa bề mặt được cho là không thuyết phục vì tình trạng sụt lún nằm ở kết cấu nền của Đại lộ Đông Tây.

 

Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố đề xuất thay lớp bê tông nhựa nóng bằng lớp bê tông xi măng dày gần 50 cm nhưng Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chỉ cho phép đơn vị này thay vào lớp bê tông xi măng dày không quá 30 cm sau khi đã bóc bỏ lớp bê tông cũ. Các lớp cấp phối đá dăm bên dưới cũng được yêu cầu giữ lại.

Trao đổi với PV VietNamNet, Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, chuyên gia đầu ngành về kết cấu xây dựng và Địa kỹ thuật của Việt Nam nói: “Việc sụt lún, trồi nhựa là nguyên nhân từ kết cấu nền. Do vậy phương án xử lý lớp nhựa mặt đường Đại lộ Đông Tây là không thuyết phục nếu muốn ‘cứu’ tình trạng hư hỏng trên tuyến đường này”.

Về việc nhà thầu có trách nhiệm bảo hành 1 năm sau khi bàn giao công trình cho chủ đầu tư, GS-TS Nguyễn Văn Đạt cho rằng: “Tình trạng sụt lún trồi nhựa thường có thể xuất hiện sau ít nhất là 1 năm, có thể 3 năm nên thoả thuận như thế là quá lạc hậu trong quản lý”.

 

Các tin khác