"Xây cầu vượt nhẹ cũng giống bịt ngã tư"
Xét về cục bộ thì việc xây dựng cầu vượt này đương nhiên có hiệu quả vì nó giúp giảm bớt xung đột, nâng cao năng lực thông hành của các phương tiện. Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động của nó với các nút giao lân cận.  

"Tôi cho rằng, việc xây dựng cầu vượt nhẹ cũng giống như hành động bịt ngã tư, chỉ dừng lại ở mức thí điểm. Tức là người ta chọn 10-15 vị trí nóng nhất làm thử 1-2 cái, thấy được mới đánh giá tổng thể. Cho nên, nếu chỉ làm 5-7 cái thì không có vấn đề gì nghiêm trọng lắm", Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trường Đại học Giao thông vận tải, trao đổi với VnMedia.

 
- Hà Nội vừa thông xe hai cầu vượt nhẹ chống ùn tắc, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các cây cầu trên?.
 
Xét về cục bộ thì việc xây dựng cầu vượt này đương nhiên có hiệu quả vì nó giúp giảm bớt xung đột, nâng cao năng lực thông hành của các phương tiện. Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động của nó với các nút giao lân cận.
 
Hiện Sở Giao thông vận tải đang làm bản đánh giá tổng thể về tác động của các cây cầu vượt với các nút giao lân cận. Vì thế, muốn đánh giá chính xác cần phải có thời gian. Còn cá nhân tôi cho rằng, xét về mặt tổng thể thì do lưu lượng tham gia giao thông quá lớn, việc xây dựng cầu vượt sẽ giúp giải quyết tại nút đó. Tuy nhiên, việc cần làm là phải xem xét bổ sung đánh giá tác động của nó tới các nút bên trong.
 
Ví dụ như với nút Tây Sơn – Chùa Bộc, nếu "vượt" ở đây lên có làm cho nút Nguyễn Lương Bằng – Hồ Đắc Di và Ô Chợ Dừa ùn tắc hơn không khi dòng giao thông chạy qua tăng lên?. Đây là câu hỏi ngỏ và thực ra nguy cơ này là rất cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có nghiên cứu để phân tích, đánh giá cụ thể vấn đề này.

 

 Ảnh minh họa

Ts Khuất Việt Hùng trao đổi với VnMedia. Ảnh: Xuân Tùng

 
- Trong khi chưa thể đánh giá tổng thể thì nhiều ý kiến cho rằng, việc quyết định xây thêm  hàng loạt cầu vượt là quá nóng vội và sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị. Ông nói sao về điều này?
 
Mỗi người có một quan điểm về cảnh quan. Tôi cho rằng, những cây cầu này nếu duy trì được vệ sinh môi trường sạch sẽ thì không phải là xấu vì cấu trúc của nó cũng không đến nỗi quá nặng nề và thô kệch đến nỗi gây phá vỡ cảnh quan.
 
Theo tôi, nếu được thiết kế khéo và có chút thẩm mỹ thì nó cũng sẽ trở thành công trình tô điểm cho thành phố Hà Nội và cảnh quan của không gian nút. Mạt khác, nếu chúng ta chỉ lựa chọn làm ở một số nút: Láng Hạ - Thái Hà, Tây Sơn – Chùa Bộc thì phù hợp vì cảnh quan tại những điểm trên không có gì nghiêm trọng lắm.
 
Tất nhiên, người ta sẽ xây dựng thêm một số cây cầu vượt nhẹ khác nhưng không phải chỗ nào cũng làm. Việc này Hà Nội cũng đã cân nhắc. Chỉ có điều, tôi vẫn lo tính chất giao thông mạng lưới của nó mang lại. Nếu không có mô hình giao thông tốt để đánh giá thì việc chúng ta xử lý được những nút bên ngoài sẽ dễ gây đến dẫn ùn tắc vào sâu trong nội thành, đây là điều tôi lo sợ nhất hiện nay.
 
- Có nghĩa là Hà Nội đang nóng vội khi cho xây dựng hàng loạt cầu?
 
Hiện nay, việc tiếp tục làm cầu ở một số vị trí có quan hệ với các nút hiện nay đang xây dựng, ví dụ như nút Nguyễn Chí Thanh đi qua Láng, là tương đối phù hợp. Trong tương lai có thể làm tiếp tại nút Lê Văn Lương – Láng Hạ - Láng… Tuy nhiên, bây giờ có làm ở nút Đê La Thành – Láng Hạ hay không, có làm tiếp ở nút Ô Chợ Dừa và Dewoo hay không… tất cả đều phải nghiên cứu.
 
Tôi cho rằng, Hà Nội cũng đã cân nhắc khi xây dựng các cầu vượt nhẹ vì hiện nay thành phố có mấy trăm nút giao thông, cho nên nếu chỉ làm 5-7 cái cầu thì không phải là vấn đề lớn. Theo tôi, khi làm như vậy người ta cũng đã có sự chọn lọc. 

 Ảnh minh họa

Cầu vượt nhẹ ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà mới được thông xe.


- Nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu cứ xây cầu vượt nhẹ tràn lan như hiện nay, trong tương lai khi xây dựng đường trên cao và đường sắt đô thị thì nhiều khả năng lại phải phá bỏ, gây lãng phí. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Thực ra người ta sẽ tính tuổi thọ kinh tế của từng công trình. Với những công trình như thế này, tồn tại được 10 năm đã là tốt rồi. Hơn nữa, các cây cầu này lại tháo lắp được cho nên nếu không làm chỗ này người ta có thể cân nhắc, điều chỉnh, lắp đặt vào chỗ khác. Vì thế, vấn đề này không quá nghiêm trọng.
 
- Hà Nội đang dự tính tới đây sẽ xây dựng cầu vượt nhẹ ở nút Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân. Tuy nhiên, nút này tình trạng ùn tắc giao thông không quá căng thẳng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?.
 
Thực ra không hẳn là như vậy, vì việc xây dựng cầu vượt ở điểm đó sẽ giải quyết cho nhu cầu trong thời gian tới đây và về sau. Mặc dù vị trí đó không ùn tắc như nút Tây Sơn – Chùa Bộc, nhưng nó cũng là một chỗ đáng quan tâm. Tất nhiên, khi Hà Nội quyết định làm là người ta đã có lý do nhất định.
 
Tôi thì cho rằng, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ cũng giống như hành động bịt ngã tư. Việc này cũng chỉ dừng lại ở mức thí điểm. Tức là người ta chọn 10-15 vị trí nóng nhất làm thử 1-2 cái, thấy được sau đó mới đánh giá tổng thể cho nên nếu làm 5-7 cái thì không có vấn đề gì nghiêm trọng lắm.
 
- Ông vừa cho rằng, việc xây dựng cầu vượt nhẹ cũng chỉ là giải pháp tạm thời và mang tính chất thí điểm như bịt ngã tư trước kia. Vậy có quá lãng phí khi Hà Nội chi một mức ngân sách lớn như vậy cho việc xây dựng các cây cầu này?.
 
Chúng ta dùng những từ ấy hay có ý nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, trong phát triển giao thông, có những giải pháp dài hạn, có giải pháp ngắn hạn. Chúng ta đã bàn mãi việc chuyển các trụ sở làm việc, trường học ra ngoài hàng chục năm nay nhưng có làm được đâu? Hay ngay như bây giờ, quản lý không cho xây nhà cao tầng trong nội thành có được đâu? Rồi hãm tốc độ phát triển đô thị lõi lại để phát triển đô thị vệ tinh… Đó là những giải pháp dài hạn mang tính chiến lược để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do chúng ta không làm đến nơi đến chốn nên buộc phải có các giải pháp tình thế, nếu không sẽ làm thế nào?.
 
Những giải pháp trên không phải là việc riêng của Hà Nội. Mấy cây cầu vượt nhẹ thì Hà Nội quyết được, còn những vấn đề khác như di dời trụ sở các ban ngành thì ai quyết? Chính phủ hay Hà Nội?. Tôi nghĩ ngành giao thông chỉ đề xuất trong chức năng, nhiệm vụ của họ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.

 

Nguồn: VnMedia

 

 

Các tin khác