Với những sai phạm tại dự án khu nhà ở Đại học Quốc gia TP.HCM, tháng 01/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã chỉ đạo: “Trong trường hợp cần thiết và có đủ căn cứ thì Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”; nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý nghiêm minh như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, mà trái lại còn có dấu hiệu chìm xuồng.
Bà Đỗ Kiều Mộng Thu bên mảnh đất chưa thỏa thuận đền bù đã bị chính quyền san phẳng
Chưa thỏa thuận đền bù đã san phẳng nhà dân
Tháng 01/2004, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua (nay là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) ký quyết định tạm giao đất cho Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) để đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ, giảng viên (CBGV) ĐHQG trên diện tích 80,8ha ở P.Phú Hữu (Q.9).
Tháng 3/2004, đại diện chủ đầu tư (bên A) là ông Vũ Đình Chỉnh - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG kiêm Trưởng ban QLDA (gọi tắt Ban QLDA 245) ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.9 là đại diện bên B để bên B "thực hiện công tác kiểm kê, áp giá, bồi thường, GPMB". Hợp đồng ghi số tiền mà bên A phải trả cho bên B sau khi giải tỏa xong dự án là 635,4 triệu đồng. Sau nửa tháng, ngày 18/3/2004, UBND Q.9 mới ký quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư, giải phóng mặt bằng (HĐBT) dự án khu nhà ở ĐHQG. Thế nhưng, trước khi UBND TP.HCM tạm giao đất và HĐBT được thành lập, chủ đầu tư đã thương lượng đền bù với người dân có đất trong phạm vi dự án. Do đã "lỡ" ký bản hợp đồng nói trên nên liên tục trong gần 2 năm, Ban BTGPMB đã "thúc ép" người dân phải di dời, giải tỏa. Ngày 27/12/2005, hơn chục chiếc máy xúc, máy ủi và nhiều phương tiện cơ giới khác đã ủi sập nhà của 3 hộ dân Trương Cao Minh, Nguyễn Ngọc Thúy Lan, Đỗ Kiều Mộng Thu. Các hộ dân này đã gửi đơn khiếu nại suốt gần 8 năm qua nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
Điều này hoàn toàn sai với nội dung giấy phép san lấp do ông Lê Thành Đại (lúc đó là Chủ tịch UBND Q.9) ký ngày 20/02/2004, theo đó, ghi rõ: "Không được san lấp phần đất chưa thực hiện xong việc thỏa thuận đền bù với chủ sử dụng". Khi triển khai dự án, chính quyền không mời các hộ dân lên thông báo; chủ đầu tư không có thiện chí thương lượng về giá đền bù. Biểu hiện qua việc lần thứ nhất đưa ra giá 60 lượng vàng/1.000m2, lần thứ hai lại giảm xuống 400 triệu đ/1.000m2; có hộ thì đưa ra giá lần đầu là 500 nghìn đ/m2 nhưng lần sau lại ra giá 400 nghìn đ/m2… Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn công khai rao bán đất dự án khi chưa đền bù xong; mục tiêu dự án không chính đáng bởi đã hy sinh quyền lợi của nhiều hộ và gia đình chính sách đã bị giải tỏa ở nội thành ra mua đất lập vườn...
Mua đi bán lại để trục lợi
Tháng 4/2001, Công đoàn ĐHQG có văn bản gửi các công đoàn cơ sở, nêu rõ mục đích dự án “nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở của CBGV”. Việc đăng ký góp vốn, mua nền được giao cho Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị công nghiệp do ông Vũ Đình Chỉnh làm Giám đốc và bà Lê Thị Thanh Thủy, cán bộ Trung tâm thực hiện. Thế rồi, chỉ trong hai tháng 7 và 8/2001, ông Chỉnh ký “ồ ạt” 1.065 hợp đồng góp vốn đầu tư mua 1.343 lô đất với tổng diện tích hơn 34,3ha. Trong đó: CBGV chỉ có 549 hợp đồng với 705 lô đất. Còn cá nhân không phải là CBGV ký 516 hợp đồng với 638 lô đất, chiếm hơn 15,3ha.
Ông Vũ Đình Chỉnh thừa nhận, việc ký 516 hợp đồng với cá nhân ở ngoài, không phải là CBGV của ĐHQG (tổng trị giá hơn 184 tỷ đồng, đã thu hơn 161 tỷ đồng), là do cá nhân ông Chỉnh và bà Thủy tự ý thực hiện mà không hề báo cáo, xin ý kiến hay trao đổi thông tin với bất kỳ tổ chức và cá nhân có trách nhiệm nào của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQG. Đồng thời, cả hai người cũng không hề có cuộc họp bàn bạc, thông tin trao đổi nào trong Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Công đoàn ĐHQG.
Sau khi ký các hợp đồng góp vốn và bán nền, ông Chỉnh còn ký nhiều văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền về thủ tục đầu tư xây dựng (như chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500, báo cáo nghiên cứu khả thi), về thủ tục thu hồi và giao đất, về thẩm tra dự án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Thế nhưng, trong tất cả các văn bản trên, ông Chỉnh đã báo cáo sai khi chỉ ghi đối tượng tham gia dự án gồm CBGV ĐHQG mà không hề đề cập thực tế đã có 516 cá nhân không phải CBGV ĐHQG ký hợp đồng và đã nộp tiền góp vốn như trên.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), dự án Khu nhà ở ĐHQG tại P.Phú Hữu (Q.9) có chủ đầu tư là Công đoàn ĐHQG (hiện nay là ĐHQG). Đối tượng được giải quyết đất ở chỉ là CBGV ĐHQG với mục tiêu kinh doanh không lợi nhuận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công đoàn ĐHQG do ông Chỉnh đại diện đã ký 516 hợp đồng (638 lô) với những người không phải CBGV ĐHQG. “Đây là việc làm trái quy định dẫn đến phát sinh việc một số cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý đầu cơ đất đai, mua đi bán lại để trục lợi, trái với mục tiêu và chính sách của Đảng, Nhà nước và TP.HCM trong giải quyết nhu cầu đất ở đối với CBGV ĐHQG. Trách nhiệm chính thuộc về cá nhân ông Chỉnh - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG, Trưởng Ban QLDA 245”, TTCP chỉ rõ.
Có dấu hiệu chìm xuồng
Ngày 6/01/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 99/VPCP-KNTN yêu cầu Giám đốc và Ban lãnh đạo ĐHQG phải kiểm điểm trách nhiệm do buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện dự án. ĐHQG phải chỉ đạo kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với sai phạm của ông Chỉnh và các cá nhân liên quan. “Trong trường hợp cần thiết và có đủ căn cứ thì Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Công văn số 99 nêu rõ.
Tháng 11/2010, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề nghị xử lý sai phạm sau thanh tra tại dự án Khu nhà ở Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG). Theo đó, UBND TP.HCM có ý kiến: “Nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện phức tạp tại dự án này trong thời gian qua là do ông Vũ Đình Chỉnh (nguyên Chủ tịch Công đoàn ĐHQG, nguyên Trưởng Ban QLDA 245) đã cố ý làm trái, ký hợp đồng bán nền nhà sai đối tượng và số lượng, không đúng chủ trương, tiêu chí đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Do đó, TP kiến nghị TTCP xem xét, có ý kiến xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng…”. UBND TP.HCM cũng nhận định các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân Ban QLDA cũ (thuộc Công đoàn ĐHQG) chưa được xử lý nghiêm.
Sai phạm nghiêm trọng được kết luận rõ như vậy, nhưng đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, ông Chỉnh chỉ bị mất chức Chủ tịch Công đoàn ĐHQG và Trưởng ban QLDA 245, nhưng vẫn còn ung dung đi giảng dạy bình thường(?).
Nội bộ “tố” nhau Tháng 8/2011, ĐHQG có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM, báo cáo việc Cty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Công nghệ Môi trường Sài Gòn (EDICO) - đơn vị ký hợp đồng liên kết với chủ đầu tư là ĐHQG, vẫn chưa có động thái gì để chuẩn bị đầu tư, cũng như chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với ĐHQG theo như hợp đồng đã ký. ĐHQG “tố” EDICO: “Trong khi quy hoạch 1/500 của dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Cty EDICO đã hợp tác với các Cty môi giới BĐS… rao đất bán nền. Việc làm trên của EDICO là vi phạm pháp luật, gây tâm trạng bất ổn trong gần 1.000 bà con đã đăng ký góp vốn, có khả năng xảy ra khiếu kiện” |