|
Mặt đường ở khu vực cầu Thanh Trì bị phì nhựa trong thời điểm nắng nóng
|
Đi tìm nguyên nhân
Theo TS Vũ Hoài Nam, Trưởng Bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị, Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện tượng nắng nóng làm đường nhựa bị mềm dẫn đến xô lún thường xuyên gặp những năm gần đây.
Điều này càng có tác động mạnh hơn ở những vùng đặc thù như chỗ xuống dốc, trạm cảnh sát giao thông... Nguyên nhân gây hiện tượng nhựa đường bị nhũn ra có thể do các nguyên nhân như nắng nóng quá mức thiết kế dự trù.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặt đường nhựa có khả năng hấp thụ nhiệt cao. Cùng với đó là khả năng tích nhiệt lượng. Chính hai yếu tố này khiến cho mặt đường nhựa thường có nhiệt độ cao hơn bình thường.
Với mặt đường nhựa mấy ngày nắng gắt như hiện nay, nhiệt độ có thể lên đến 65 - 70 độ C, thậm chí có khi lên đến 80 độ C. Có thể khi thiết kế và chọn vật liệu các nhà chức năng chưa tính toán đến yếu tố này.
Nguyên nhân thứ hai có thể do thiết kế độ rỗng dư của bê tông nhựa chưa hợp lý. "Trong kỹ thuật đường nhựa, lớp dưới có độ rỗng để nhựa chảy xuống và có độ "thở". Tuy nhiên, nếu độ rỗng dư này không hợp lý khiến khi đường bị nén mạnh hay nhiệt độ cao sẽ xuất hiện hiện tượng phì lên", TS Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.
Nguyên nhân khác có thể xuất hiện sự nhũn và phì mặt đường nhựa là do sử dụng chất liệu nhựa để thiết kế và thi công chưa hợp lý với trạng thái sử dụng của mặt đường.
ThS Vũ Phương Thảo, Bộ môn Công trình giao thông công chính và Môi trường, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, đường nóng sẽ khiến nhựa đường chảy nhưng không vì thế mà khẳng định nhựa đường chảy do nắng nóng. Bởi nhựa đường chỉ là một thành phần nhỏ trong kết cấu mặt đường.
Vì thế, nắng nóng chỉ là một yếu tố gây nên hiện tượng trên. Nguyên nhân khác có thể do kết cấu đường kém dẫn đến vỏ áo mặt đường nhanh hỏng, tải trọng xe cao vượt mức quy định...
Nguy cơ mất an toàn cao
Theo các chuyên gia, khi nhựa mềm khiến khả năng chịu lực kém. Điều này dẫn đến mặt đường bị chảy dồn, giảm độ ma sát, khiến cho xe không ăn phanh. Tất cả các yếu tố này đều có tác động lớn đến hoạt động giao thông, làm cho xe ô tô và xe máy bị mất lái gây tai nạn giao thông.
|
Nguy cơ mất an toàn cao từ những đoạn đường như thế này
|
Cũng lúc này, người qua đường cảm nhận thấy mặt đường làm toàn bằng nhựa đường. Khi trời dịu mát, mặt đường nhựa biến dạng, không có khả năng hồi phục. Từ đó, đường sẽ không còn bằng phẳng, dần dần các lớp nhựa sẽ bị bóc tách, xuất hiện vết nứt.
Theo TS Vũ Hoài Nam, để xác định nguyên nhân của hiện tượng phì nhựa đường cần có khảo sát, làm các thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác từ đó khắc phục tận "gốc rễ".
Tuy nhiên, khi mặt đường nhựa có hiện tượng phì, xô nhựa sẽ không có khả năng khắc phục. Cách duy nhất để mặt đường trở nên bằng phẳng trở lại là cắt phá lớp nhựa cũ để vá lại lớp nhựa đường mới.
Chưa có ứng dụng nhựa đường chịu nhiệt
Theo các chuyên gia, bất cập lớn nhất của công nghệ đường giao thông hiện nay của nước ta là chưa thể áp dụng loại nhựa đường chịu được nhiệt độ cao theo diễn tiến biến đổi khí hậu.
Bản thân ThS Vũ Phương Thảo đang nghiên cứu đề tài bê tông áp san (có thành phần nhựa đường) chịu nhiệt độ cao lên tới hơn 80 độ C. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác minh tính chân thực của các sản phẩm nước ngoài về tính chịu nhiệt ở môi trường, nhiệt độ Việt Nam. Vì thế, các ứng dụng cũng chỉ ở tỉ lệ 50:50.
ThS Phương Thảo cho hay, nước ta chưa có nghiên cứu về bê tông áp san chịu nhiệt, nhưng nước ngoài như Đức, Pháp lại có. Nhưng sự khác nhau của hai môi trường này chính là điểm cần lưu ý. Các nước này chủ yếu chịu nhiệt độ thấp dưới 00C còn nhiệt độ cao như Việt Nam không nhiều. Trong khi đó, nhiệt độ cao ở nước ngoài có giới hạn khoảng 40 độ C, còn Việt Nam lên đến 70 độ C. Vì thế, cần nghiên cứu để làm rõ khả năng ứng dụng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trước mắt để đảm bảo an toàn và chất lượng đường, các thiết kế cần có sự thận trọng hơn trong các khâu chọn vật liệu, kết cấu phù hợp với từng loại đường.
Nguồn: bee.net.vn