Thời gian qua, Báo Dân trí đã có nhiều bài viết phanh phui các công trình xây dựng sai phép, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Điều đáng nói là, chính quyền sở tại thì “đủng đỉnh” trong việc xử lý.
Sai phạm trắng trợn
Hiện nay dư luận đang quan tâm đến 3 công trình vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng “nổi cộm” mà Dân trí đã phản ánh thời gian qua.
UBND quận Đống Đa cần làm sáng tỏ việc cấp Giấy phép xây dựng
cho công trình này có đúng quy định hay không?
Đầu tiên phải kể đến công trình xây dựng tại số 28 lại xây cao tới 10 tầng nằm ở vị trí nhạy cảm của tuyến đường Đê La Thành (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến đình Kim Liên), đoạn đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc.
Điều đáng nói, xung quanh việc cấp phép của công trình này có nhiều điều khuất tất khi mà phường sở tại cho rằng nó có phép thì lãnh đạo phòng Quản lý Đô thị quận Đống Đa lại khẳng định chúng tôi chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép của công trình này.
Làm việc với UBND phường Thổ Quan, chúng tôi được ông Phạm Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND phường và ông Đào Trọng Cương, cán bộ quản lý trật tự xây dựng phường cung cấp giấy phép xây dựng số 091453/GPXD, do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung ký, cấp cho công trình số 28 đường Đê La Thành. phường Thổ Quan), được xây dựng trên diện tích đất hơn 300m2
Theo đó, công trình là nhà ở kết hợp văn phòng cao 9 tầng (có tum). Số hiệu bản vẽ KT03 đến KT15 được Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa xác nhận, gồm các nội dung sau: Từ tầng hầm đến tầng 6 để ở, trong đó diện tích xây dựng tầng hầm 301,20m2 cao 2,50m. Diện tích xây dựng tầng 1 là 250,50m2, cao 4m. Từ tầng 2 đến tầng 5, diện tích xây dựng 250,50m2, cao 2,8m. Tầng 6, diện tích xây dựng 250m2, cao 2,8m. Từ tầng 7 đến tầng 9 làm văn phòng cho thuê, diện tích sàn 198,20m2, cao 3m. Như vậy, chiều cao tới đỉnh mái là 27m, tổng diện tích sàn xây dựng 2.398m2.
Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, không khó khăn lắm để nhận ra công trình này đã xây tới 10 tầng, 1 tum và đang “ung dung” hoàn thiện. So với giấy phép xây dựng do UBND phường Thổ Quan cung cấp cho chúng tôi, công trình này đã vượt hơn 1 tầng. Không nằm khuất nẻo mà chỉ cách ngã tư Ô Chợ Dừa có vài chục mét, cũng không xa UBND phường Thổ Quan là mấy, vậy tại sao, những người có trách nhiệm ở phường lại không biết?
Công trình vi phạm nghiêm trọng giấy phép xây dựng vẫn "ung dung" hoàn thiện
Công trình “nổi cộm” thư hai phải kể đến đó là công trình tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê do ông Trương Ngọc Long và bà Nguyễn Bích Liên làm chủ đầu tư.
Theo Qui hoạch kiến trúc ven Hồ Tây, các công trình xây dựng chỉ được phép xây dựng không quá 12 mét. Theo như ông Ngô Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: Trong giấy phép xây dựng (tạm cấp) của gia đình ông Long, công trình này chỉ được xây 3 tầng với chiều cao là 10,8 mét. Vậy mà giờ đây ông Long đã xây dựng đến tầng thứ 7, chiều cao khoảng 20 mét (bao gồm 1 tầng hầm + 2 tầng lửng + 4 tầng trên) và vẫn để sắt chờ để xây dựng tiếp, tổng diện tích xây dựng đã vượt quá giấy phép rất nhiều.
Tòa nhà A5 được xây dựng khoảng năm 1975, theo công nghệ lắp ghép các mảng bê tông tấm lớn, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Việc xây dựng trái phép của ông Phạm Trọng Thanh là hết sức nguy hiểm.
Công trình sai phạm "nổi cộm" thứ ba phải kể đến là công trình cơi nới chuồng cọp của gia đình ông Phạm Trọng Thanh trú tại tầng 2 phòng 224 dãy nhà A5 khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình. Ông Phạm Trọng Thanh đã ngang nhiên đập phá tường, lao dầm thép, đua lồng treo lơ lửng hòng “biến” không gian chung thành của riêng nhà mình.
Hành vi cơi nới trái phép của ông Thanh đang gây nguy hiểm cho các hộ liền kề, khiến dư luận bức xúc. UBND phường Giảng Võ ra quyết định đình chỉ thi công, phá bỏ công trình... Nhưng công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận và coi thường pháp luật. Vì sao lại như vậy? Và ai đã đứng đằng sau để “che chắn” cho gia đình ông Thanh hoàn thiện công trình trái phép này (?!).
Trên quyết nhưng dưới… liệt
Một điểm chung dễ nhận thấy trong quá trình thu thập viết tin bài về các vụ việc sai phạm trên mà PV Dân trí ghi nhận được đó là: Tất cả những cán bộ có trách nhiệm ở các địa bàn để xảy ra sai phạm đều "hứa" sẽ "xử lý rất nghiêm minh, xử lý rất bài bản và có lộ trình, quy trình, đúng pháp luật".
Cụ thể, sáng ngày 16/3/2011, trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc cấp phép xây dựng tòa nhà 9 tầng tại số 28 đường Đê La Thành có nhiều dấu hiệu là giấy phép “giả”, giấy phép được cấp “chui”, ông Trần Đức Học cho biết: Để làm rõ việc này, UBND quận đã giao cho ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa làm rõ và báo cáo lãnh đạo quận.
Tuy nhiên, trong chiều ngày 16/3/2011, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Trung cho rằng: Để làm sáng tỏ vụ việc, mang tính chất khách quan, Chủ tịch UBND quận nên giao việc này cho một đơn vị chuyên môn khác xác minh sẽ cụ thể và đảm bảo khách quan hơn. Nếu trực tiếp ông Trung đi xác minh vấn đề này, sẽ làm mất tính khách quan của sự việc.
Bản thân ông Trung khi nhìn vào GPXD số 091453 dưới đây cũng không thể "biết" là có phải GPXD do UBND quận Đống Đa ban hành không nữa?!.
Và đến nay đã gần 2 năm trôi qua, vụ việc trên vẫn chưa được xử lý, những "uẩn khúc" của công trình sai phạm này vẫn nằm trong "bí mật".
Đối với công trình sai phép tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê, ngày 5/4/2012, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định số 685/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê do ông Trương Ngọc Long và bà Nguyễn Bích Liên làm chủ đầu tư.
Quyết định nêu rõ: Công trình trên đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng tạm số 221/GPXDT ngày 14/6/2011 do UBND quận Tây Hồ cấp; Không chấp hành Quyết định thu hồi Giấy phép xây dựng số 274/QĐ-UBND ngày 22/2/2012 của UBND quận Tây Hồ; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 51/QĐ-CTTrXD ngày 22/7/2011 của Chánh Thanh tra Xây dựng quận Tây Hồ (chưa tự tháo dỡ toàn bộ phần công trình sai so với Giấy phép xây dựng tạm được cấp).
Quyết định trên của UBND quận Tây Hồ yêu cầu ông Trương Ngọc Long và bà Nguyễn Bích Liên có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành Quyết định cưỡng chế và chi trả toàn bộ kinh phí thực hiện cưỡng chế.
“Giao cho Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê tổ chức thực hiện Quyết định; Thanh tra Xây dựng quận, Phòng Quản lý đô thị và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp UBND phường Thụy Khuê thi hành Quyết định cưỡng chế này trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ký”- Quyết định của Quận Tây Hồ nhấn mạnh.
Và đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, công trình sai phạm trên vẫn "ung dung" hoàn thiện, còn Quyết định cưỡng chế của quận Tây Hồ mặc dù đã ban hành nhưng chỉ để trong "tủ", việc quyết định trên có "đi vào cuộc sống" hay không? Đó là vấn đề cử tri quận Tây Hồ đang mỏi mòn chờ đợi.
Liên quan đến sự việc xây "chuồng cọp" trái phép tại nhà A5, quận Ba Đình, do đã được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, buộc ông Chủ tịch phường Giảng Võ, Nguyễn Xuân Điều đã phải làm báo cáo ngày 05/12/2011 gửi lãnh đạo UBND quận Ba Đình. Trong bản báo cáo nêu rõ UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính; đã ra quyết định đình chỉ thi công; đã buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị và đồng thời tiếp tục chỉ đạo xử lý… nhưng rồi vẫn không xử lý.
Đến ngày 27/2/2012, gần 3 tháng sau UBND phường Giảng Võ lại tiếp tục làm báo cáo gửi lãnh đạo quận và cho rằng công trình xây dựng trái phép của ông Phạm Trọng Thanh được tồn tại để “đảm bảo sự ổn định tình hình an ninh địa bàn phường (?!)”.
Tóm lại, các công trình sai phạm mà Dân trí đưa tin đã quá rõ ràng, UBND quận Đống Đa, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Giảng Võ cũng đã quá biết, nơi thì yêu cầu cấp dưới vào cuộc xác minh, nơi thì đã ra quyết định đình chỉ và xử lý nghiêm trước đó. Vậy tại sao các cơ quan này không tiếp tục xử lý triệt để, thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, làm đúng pháp luật mà lại cho tồn tại các công trình xây dựng trái phép một cách trắng trợn này, khiến cho tình trạng khiếu kiện vượt cấp của một số cử tri bị ảnh hưởng của các công trình trên càng ngày càng phức tạp hơn (?!).
(Dân trí)