Tiếp tục đổi mới quản lý hoạt động đầu tư xây dựng
 

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng về công tác quản lý Nhà nước của Ngành, ngày 28/3.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất với Phó Thủ tướng đổi mới một số cơ chế, chính sách thuộc các lĩnh vực của ngành theo hướng tăng cường quản lý Nhà nước.

Về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, từ 8 nhóm lĩnh vực quản lý Nhà nước (QLNN) hiện nay, Bộ trưởng đề xuất 6 nhóm chức năng cơ bản của Bộ Xây dựng là QLNN về kiến trúc, quy hoạch xây dựng và các hoạt động xây dựng khác; QLNN về nhà ở, công sở và thị trường BĐS; QLNN về VLXD; QLNN về các dịch vụ công trong các lĩnh vực QLNN của Bộ; thực hiện vai trò chủ sở hữu phần vốn Nhà nước trong các DN có vốn Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Để chủ động tránh chồng chéo chức năng QLNN với các bộ, ngành khác, Bộ trưởng đề nghị trong nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Chính phủ phân định Bộ Xây dựng quản lý 2 khâu là quy hoạch (QH) giao thông đô thị và xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan; trong nhiệm vụ quản lý về chất thải rắn thông thường, giao Bộ Xây dựng thống nhất quản lý từ trung ương đến địa phương.

Kiểm soát chặt hơn quá trình phát triển đô thị

Bộ trưởng cho biết Bộ đang nghiên cứu dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (thay thế Nghị định 02/2006/NĐ – CP về quy chế KĐTM) theo hướng đẩy mạnh vai trò của cơ quan QLNN từ trung ương đến địa phương. Công tác phát triển đô thị phải được kiểm soát từ quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến việc thực hiện dự án và tổ chức quản lý vận hành sau khi hoàn tất đầu tư xây dựng.

Đồng thời Bộ trưởng nêu một số đề xuất cụ thể trong công tác này như UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phải xác định khu vực phát triển đô thị… Trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu (đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại I), phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Thủ tướng Chính phủ giao đầu tư dự án KĐTM có quy mô từ 100 ha trở lên. Đối với một số dự án quan trọng (dự án KĐTM trên 20 ha, dự án tái thiết đô thị trên 10 ha, dự án bảo tồn, tôn tạo đô thị, trước khi UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước (BCĐNN) về quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng như vùng TP.HCM và một số vùng đặc thù khác, giao Bộ là cơ quan thường trực với chức năng chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Trước thực trạng các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh của nhiều tỉnh, TP chưa có sự gắn kết, thống nhất với các mục tiêu phát triển của vùng, dẫn đến sự chồng chéo, đầu tư lãng phí, Bộ đề xuất Thủ tuớng Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh trước khi phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng cần lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch định hướng phát triển hệ thống đô thị của quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch phát triển ngành có liên quan.

Với quan điểm không tăng thủ tục hành chính, không hình thành cơ chế xin - cho đồng thời tăng cường kiểm soát bảo đảm phù hợp quy hoạch, yêu cầu về an toàn, hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội nói chung, trong công tác quản lý hoạt động xây dựng, Bộ đề xuất: Đối với công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách, cơ quan QLNN về xây dựng thực hiện thiết kế kỹ thuật và thẩm định dự toán công trình trước khi chủ đầu tư phê duyệt…

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo Phó Thủ tướng về việc triển khai Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong năm 2012, Bộ sẽ tập trung công tác triển khai thực hiện Chiến lược. Liên quan đến việc cải tạo nhà chung cư cũ, Bộ trưởng cho biết: Hiện nay các dự án cải tạo chung cư cũ đang ách tắc do Nhà nước không trực tiếp tham gia mà bị động nhờ vào DN trong khi hầu hết các dự án đều gặp khó khăn về thỏa thuận, bồi thường, bố trí tái định cư… Để khắc phục tình trạng này, Bộ đề xuất: Đối với các đô thị loại đặc biệt, nơi có mật độ dân số cao, hạn chế gia tăng dân số…, Nhà nước đầu tư xây dựng trước các khu nhà ở có chất lượng tốt để di dời các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đến nơi ở mới thay thế cách làm trước đây, chỉ ưu tiên tái định cư tại chỗ. Có thể áp dụng hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) hoặc nhà nước đầu tư trực tiếp. Các khu đất có nhà chung cư cũ sau khi phá dỡ sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách hoặc dành để đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

Về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ đề xuất khuyến khích hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho các đối tượng là công nhân tại các KCN, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo thuê theo hướng bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về diện tích… Bộ cũng đề nghị bổ sung quy định bắt buộc các DN có sử dụng nhiều công nhân lao động phải tham gia đóng góp xây dựng nhà ở cho công nhân…

Phó Thủ tướng đồng tình với nhiều đề xuất của Bộ Xây dựng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và thành viên đoàn công tác Chính phủ đã đồng tình với những đề xuất của Bộ Xây dựng.

Về chức năng nhiệm vụ của Bộ, Phó Thủ tướng nhận định: Bộ đã nêu rõ các vấn đề chồng chéo về QLNN giữa các Bộ, ngành song vẫn cần tiếp tục tập trung nghiên cứu kỹ hơn nữa từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi. Phó Thủ tướng ủng hộ đề xuất 6 chức năng của Bộ Xây dựng và nhấn mạnh: Đổi mới căn bản về quản lý đầu tư xây dựng phải là nhiệm vụ số 1 của Bộ Xây dựng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cần phân tách nhiệm vụ cụ thể hơn nhưng cũng đồng tình với đề xuất của Bộ liên quan đến quản lý hạ tầng giao thông đô thị. “Đưa giao thông trong đô thị để Bộ Xây dựng quản lý là đúng” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Liên quan đến công tác QLNN về phát triển đô thị, Phó Thủ tướng thống nhất tư tưởng chỉ đạo mà Bộ Xây dựng đề xuất theo hướng tăng cường quản lý, tuy nhiên cũng lưu ý “thắt chặt lại nhưng phải chọn lọc”. Đồng tình với chủ trương Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư dự án KĐTM có quy mô 100 ha trở lên, nhưng Phó Thủ tướng cũng đề nghị đối với khu vực có di tích lịch sử quốc gia thì sẽ không lấy giới hạn về diện tích làm căn cứ đồng thời đề nghị Bộ cân nhắc khu vực nào cần có quy hoạch phân khu và khu vực nào không cần…

Đối với Chương trình phát triển nhà ở, Phó Thủ tướng ủng hộ đề xuất của Bộ về cơ chế vốn, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở… Đặc biệt, Phó Thủ tướng hoàn toàn nhất trí với đề xuất lấy một phần đất KCN đầu tư xây dựng nhà công nhân. “Trong khi chưa ban hành quy định chính thức về vấn đề này, ngay từ bây giờ, Bộ Xây dựng có thể chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có nhu cầu triển khai”.

Về cải tạo chung cư cũ, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Phải thực hiện theo đúng quy hoạch, quy định. Nếu chung cư cũ nằm trong khu vực quy hoạch thì khi được yêu cầu, cũng phải tiến hành di dời như mọi công trình khác. Những chung cư cũ không bảo đảm an toàn thì phải cưỡng chế di chuyển (theo chương trình di dân của chính quyền đô thị). Bộ Xây dựng phải đưa những nội dung nêu trên vào các văn bản pháp lý. Đối với chung cư cũ mà chưa đến mức thiếu an toàn thì vẫn cho dân tự thỏa thuận với chủ đầu tư. Phó Thủ tuớng ủng hộ các đề xuất của Bộ liên quan đến việc tạo quỹ nhà ở mới trước khi dự án tiến hành đền bù GPMB các chung cư cũ vì các đề xuất này đều khuyến khích đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ trong đô thị.

Về việc thành lập một số BCĐNN về quy hoạch đầu tư xây dựng vùng, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Chỉ đề xuất Thủ tướng thành lập thêm ở những vùng cần thiết hoặc liên vùng có nhiều vấn đề mới nảy sinh, chẳng hạn như vùng TP.HCM, khu vực Nghi Sơn (Thanh Hóa)… Việc thành lập văn phòng BCĐ do Bộ Xây dựng quyết định.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

 

Các tin khác