Sao lại thu hồi nhà văn hóa khu phố?
Là nơi thường xuyên phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đây cũng là nơi sinh hoạt tập thể trên các lĩnh vực văn hóa - chính trị - KTXH của hơn 2.000 nhân khẩu trong suốt 10 năm qua, Nhà văn hóa Nam Thăng Long 2 bỗng dưng bị thu hồi để thực hiện dự án tòa nhà hỗn hợp cho một doanh nghiệp…!  

Khúc mắc trong thu hồi đất…!

Theo đơn kiến nghị của 6 tổ dân phố đại diện của hơn 2.000 nhân khẩu ở khu dân cư Nam Thăng Long 2 – phường Nhân Chính gửi Báo Năng lượng Mới phản ánh: Vào ngày 17/2/2012, UBND quận Thanh Xuân ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao Nhà văn hóa khu Nam Thăng Long 2 cho Công ty CP Đào tạo và  Xây lắp điện Hà Nội để xây dựng tòa nhà hỗn hợp, trong đó bao gồm hệ thống văn phòng cho thuê, dịch vụ công cộng và nhà ở…

Điều đáng nói là, sau 2 tuần đưa ra quyết định, UBND phường Nhân Chính cũng không cử cán bộ xuống khu dân cư để lấy ý kiến và nắm bắt tình hình theo như quyết định, mà chỉ gửi giấy mời yêu cầu đại diện khu dân cư lên UBND để phổ biến kế hoạch bàn giao nhà cho chủ đầu tư. Theo đó, dự kiến cuộc họp được diễn ra vào đầu tháng 3 nhưng cư dân tại đây đã không chấp thuận.

Nhà văn hóa Nam Thăng Long 2

Theo đại diện khu dân cư Nam Thăng Long 2, điều này đi trái với Pháp lệnh dân chủ cơ sở năm 2007 (phải bàn bạc dân chủ ở khu dân cư, trước khi có quyết định), hơn nữa việc chưa thông qua ý kiến khu dân cư đã làm trái đi trình tự thủ tục hành chính do Nhà nước quy định.

Chiều ngày 9/3/2012, đại diện cán bộ cốt cán khu tập thể Nam Thăng Long 2 đã cung cấp cho PV Báo Năng lượng Mới Quyết định số 142/QĐ-UBND quận Thanh Xuân, về việc phê duyệt phương án thực hiện dự án tòa nhà hỗn hợp tại địa danh “Tam giác điện tử” (cách gọi trong địa giới hành chính bao gồm nhà văn hóa của khu Nam Thăng Long 2) ngày 17/2 cho thấy, quyết định thu hồi đất nói rõ để xây “văn phòng cho thuê, dịch vụ công cộng” và quyết định được trao tay cho Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện Hà Nội được “toàn quyền” niêm yết công khai, số tiền bồi thường hỗ trợ chủ sử dụng đất xấp xỉ gần 496 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Cốm, đại diện Hội Phụ nữ khu tập thể bức xúc nói: “Đây không phải là dự án an ninh quốc phòng hay dự án công vụ thì tại sao UBND phường, quận Thanh Xuân và chủ đầu tư lại không xuống làm việc, thỏa thuận với người dân mà lại đưa ra một quyết định thẳng tay bắt buộc người dân chấp thuận bàn giao nhà văn hóa để lấy mặt bằng làm dự án tư nhân. Phải chăng nội tình sự việc có dấu hiệu chưa minh bạch, chính quyền không dám nói ra cho người dân biết…?”.

Vậy, thêm một câu hỏi đặt ra: Nhà văn hóa đang được sử dụng tại sao lại được bút phê trong quyết định là “Đất trống khu tam giác?”. Cư dân còn nhận được quyết định áp giá đền bù, cùng một quyết định nhưng lại có 2 giá tiền bồi thường, hỗ trợ chủ sử dụng đất được nhận: 461.891.000 đồng và  495.851.000đồng?

Được biết, các phương án bồi thường, thu hồi đất mà quận Thanh Xuân lập trong Quyết định số 142/QĐ UBND, ngày 17/1/2012, có chữ ký của Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Lưu. Các cơ quan chức năng phường Nhân Chính viện vào Quyết định thu hồi đất số 142/QĐ-UBND ngày 17/1/2012, buộc người dân phải bàn giao nhà văn hóa trên cho chủ đầu tư vào lúc 15 giờ ngày 9/3/2012.

Tại thời điểm cư dân phải thực hiện “tối hậu thư”, theo ghi nhận của chúng tôi, khu đất “Tam giác điện tử” có diện tích 700m2, nằm tại mặt đường Khuất Duy Tiến. Năm 2003, nhà văn hóa được xây dựng và trải qua một quá trình phát huy hiệu quả, trở thành nơi tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhằm nâng cao dân trí góp phần xây dựng nên cộng đồng dân cư văn minh – văn hóa. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nhà văn hóa tại mỗi khu dân cư.

Theo ông Đỗ Xuân Thịnh, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu Dân cư Nam Thăng Long 2, đất và nhà văn hóa không đất của quận hoặc phường, mà là sở hữu của toàn dân đã giao cho khu dân cư quản lý, cũng là việc làm thay mặt cho Nhà nước quản lý và tổ chức hoạt động trong nhà văn hóa. Ngoài ra, để hình thành nên nhà văn hóa đã có sự đóng góp công sức của nhân dân khu dân cư, tiền xây dựng cũng từ thuế của nhân dân đóng. Việc không hỏi ý kiến khu dân cư của chính quyền như vậy là trái trình tự thủ tục hành chính do Nhà nước quy định.

Ông Thịnh bức xúc cho biết: “Cán bộ quận và phường từ khi ra quyết định không trực tiếp xuống lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của chúng tôi. Kể cả việc đã không dưới 3 lần chúng tôi gửi đơn thư khiếu nại lên quận thì mọi chuyện đều rơi vào im lặng. Còn điều nữa, dựa theo Luật Đất đai năm 2003, nhà đầu tư không xuống thương thảo cùng người dân là trái luật”…

Chính quyền không xuất trình được giấy tờ thu hồi nhà văn hóa!

Trong buổi chiều ngày 9/3, đại diện chính quyền sở tại, ông Hoàng Trung Thành – Phó chủ tịch UBND phường Nhân Chính cùng với đại diện Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện Hà Nội xuống hiện trường để bàn giao mặt bằng. Theo những người đại diện cho chính quyền sở tại thì đây là khu đất trống, nhưng theo quan sát của chúng tôi đây lại là một ngôi nhà với kết cấu bê tông kiên cố. Không hiểu căn cứ vào đâu và chính quyền nơi đây lại cho rằng đó là khu đất trống và tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng?

Và cũng tại đây, khi chính quyền sở tại bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tử, rất nhiều người dân chủ yếu là các vị lão thành cách mạng đã vây kín nhà văn hóa để phản đối. Nhưng chính quyền sở tại bình thản cho rằng mình đang làm công vụ. Và theo lời ông Thành: “Nếu có thắc mắc gì thì gửi kiến nghị lên UBND phường”. Khi cư dân hỏi đã gửi 3 lần kiến nghị nhưng đều bặt vô âm tín thì ông Thành lại xin… “tiếp thu ý kiến”.

Trước việc làm thiếu minh bạch, thiếu dân chủ của chính quyền sở tại, rất nhiều câu hỏi được người dân nơi đây đặt ra. “Nếu lấy nhà văn hóa này để làm dự án thì người dân chúng tôi lấy đâu làm nơi hoạt động chính trị – kinh tế – xã hội và phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước? Nhà văn hóa là nơi người dân chúng tôi hoạt động, là cầu nối đoàn kết các dân cư trong khu phố, giờ chúng tôi mất nhà văn hóa thì coi như mất gốc, mất tất cả…!”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

Nguồn: Petrotimes

 

Các tin khác