Cảnh báo: Khu đô thị xây trên nền đất yếu
Các khu có nền đất yếu được xếp vào dạng nguy cơ gây biến dạng lún cao là Ngọc Khánh, Giảng Võ (khu vực xung quanh khu nhà B6 Giảng Võ), Thành Công, Thanh Nhàn (gần Bệnh viện Thanh Nhàn); Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình, Bán đảo Linh Đàm. Nhưng, trên thực tế, đây lại là địa chỉ được lựa chọn để xây dựng các khu đô thị mới…  

Những khu nhà lún gần tới cửa sổ cuối cùng cũng có được kết cục có hậu là xây mới lại. Nhưng bên cạnh đó, lại là hàng loạt những khu nhà mới xây bắt đầu có biểu hiện lún và nếu không có những biện pháp kịp thời, chuyện sụp đổ gây nguy hiểm tính mạng sẽ xảy ra. Nhưng ngoài những nguyên nhân do tác động trực tiếp đến công trình thì ít người biết rằng, phần lớn các toà nhà lún sụt là do mực nước ngầm của Hà Nội đang suy giảm nghiêm trọng.

Nhiều khu mỗi năm lún tới 4cm

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho biết, việc xảy ra lún sụt  nhà tại khu Thành Công, nơi có các nhà I1, I2 và I3 bị lún nghiêm trọng đến trên 1m  là do các lớp đất đặt móng bị lún hoặc do tác động của các công trình xây dựng xung quanh.

Ông Bình giải thích, nền đất yếu hay tốt phụ thuộc vào quy mô và tải trọng công trình xây dựng. Do vậy, nếu chỉ ỷ vào nền đất tốt mà xây dựng công trình lớn, cao tầng nhưng không có biện pháp xử lý nền móng thì công trình bị lún và có thể kéo theo các công trình nhỏ xung quanh. Một lý do khác rất quan trọng đó là do tải trọng công trình vượt quá sức chịu tải cho phép của lớp đất đặt móng trong khi lớp đất đó không được xử lý, gia cố phù hợp. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức, người dân xây dựng tự phát theo kinh nghiệm dân gian, cơi nới cải tạo tuỳ tiện, không khảo sát địa chất công trình và trình độ, chất lượng thi công kém.

Theo số liệu của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, các vùng Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công có tới 30% số lượng nhà chung cư bị lún tương ứng khoảng 206 nhà lắp ghép tấm lớn trong tổng số hơn 400 nhà chung cư đang ở trong tình trạng rất đáng lo ngại. Phần lớn các khu vực,  các chung cư cũ của Hà Nội đều nằm trên nền đất yếu, phân bố phức tạp, có chỗ bùn dày tới độ sâu 37m.

Trong khi đó, các chung cư này đều thiết kế đáy móng chỉ sâu 1,5 đến 2,5m so với mặt đất;  thân nhà chủ yếu dùng kết cấu xây gạch hoặc lắp ghép bằng tấm lớn. Thực tế trên dẫn tới nhiều nhà bị lún nứt do không chịu nổi do lún nền, lún móng.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân tác động rất lớn đến hiện tượng lún mặt đất do khai thác nước ngầm không hợp lý. Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã tiến hành quan trắc tại 10 trạm đo lún bề mặt đất đặt tại các nhà máy nước và trạm tăng áp thuộc Công ty Kinh doanh nước sạch số 2 Hà Nội trong nhiều năm. Kết quả quan trắc cho thấy, cụ thể, tại những trạm có tồn tại lớp đất yếu, tốc độ lún bề mặt đất tương đối lớn như Thành Công là 41,02mm/năm, Ngô Sỹ Liên là 27,14mm/năm, Pháp Vân là 22,02mm/năm. Những trạm không tồn tại lớp đất yếu cũng có tốc độ lún bề mặt nhỏ như Ngọc Hà là 1,80mm/năm; Mai Dịch là 2,28mm/năm; Đông Anh là 1,41mm/năm. Những trạm có vị trí gần sông Hồng có độ lún bề mặt đất nhỏ hơn vì mực nước ngầm được nước sông bù phụ một phần như Lương Yên là 16,85mm/năm; Gia Lâm là 12,99mm/năm.

 
 

Nguy cơ lớn, nỗi lo lâu dài

Việc khai thác nước ngầm là cần thiết nhưng việc khai thác đó phải bảo đảm thời gian để lượng nước bù đắp lại. Chính vì không bảo đảm được những yêu cầu trên nên mực nước ngầm ngày càng hạ thấp kéo theo hiện tượng lún mặt đất.

Cách đây khoảng 30-40 năm, mực nước ngầm dưới lòng đất Thủ đô chỉ cách mặt đất khoảng 3-4m và cách đây 15-20 năm, khoảng cách này là 10m. Tuy nhiên, do lượng nước khai thác cung cấp cho sinh hoạt mỗi năm rất lớn đã làm mực nước ngầm ngày càng tụt sâu hơn vào lòng đất. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy mực nước ngầm tại khu vực Mai Dịch hiện đã tụt sâu cách mặt đất 27,30m, khu vực Hạ Đình 34,49m, Pháp Vân 22,30m, Lương Yên 19,23m, Thành Công 19,45m. 

Nhận xét của PGS.TS Đỗ Minh Toàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội cho thấy, chỉ có duy nhất Khu đô thị mới Nam Thăng Long là nơi có nguy cơ biến dạng lún thấp nhất. Còn lại các khu có nền đất yếu được xếp vào dạng nguy cơ gây biến dạng lún cao là Ngọc Khánh, Giảng Võ (khu vực xung quanh khu nhà B6 Giảng Võ), Thành Công, Thanh Nhàn (gần Bệnh viện Thanh Nhàn); Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình, Bán đảo Linh Đàm. Nhưng, trên thực tế, đây lại là địa chỉ được lựa chọn để xây dựng các khu đô thị mới trong đó bao gồm nhiều nhà cao tầng.

Ông Toàn cũng cảnh báo, việc hạ mực nước ngầm đang tiềm ẩn mối nguy cơ lớn về việc sẽ gây biến dạng, đổ vỡ các công trình xây dựng. Sự sụt lún đang làm mất đi sự chính xác của toàn bộ số liệu về độ cao tuyệt đối - số liệu đặc biệt quan trọng trong việc thiết kế thi công. Lời khuyên của các chuyên gia đối với các đơn vị lập quy hoạch và thi công là phải lưu ý để đưa ra được giải pháp hợp lý trong việc xử lý cốt san nền, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý chống úng ngập tại những khu vực trũng, hay xảy ra ngập lụt khi có mưa to kéo dài. Đối với các công trình giao thông và các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp, khi sử dụng giải pháp móng nông phải lưu ý tới độ lún nền đất bị tăng thêm do hạ mực nước ngầm để từ đó có biện pháp khắc phục.

Đối với các công trình sử dụng giải pháp móng cọc, cần lưu ý tới yếu tố "ma sát âm" gây ra tải trọng phụ thêm tác dụng lên cọc do độ lún các lớp đất yếu gây ra. Khi quy hoạch vị trí xây dựng các nhà máy khai thác nước nên ưu tiên vị trí ven sông, vì khu vực đó có nguồn cung cấp, bổ trợ lớn cho tầng chứa nước khai thác. Giảm lưu lượng khai thác nước ngầm bằng việc khai thác, xử lý nguồn nước mặt từ sông Đà.

Ngoài ra, khi quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới các trạm đo lún bề mặt đất của thành phố do thay đổi mực nước ngầm được thực hiện hoàn chỉnh, thì hoàn toàn có thể kiểm soát được biến dạng lún bề mặt đất thành phố, phục vụ có hiệu quả cho công việc phát triển bền vững của Thủ đô.

(Theo: tintuc.xalo.vn)

 

Các tin khác