KĐT Trung Hòa - Nhân Chính: Nhiều khuất tất trong quản lý
Người dân trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (KĐT TH-NC) phản ánh hàng loạt vấn đề: Một khu chung cư quy mô 24 tòa nhà với hơn vạn dân, nhưng không được quy hoạch trường học, bệnh xá, chợ búa.  

Trong khi đó, các bãi gửi xe đều bị mở rộng với diện tích lớn hơn rất nhiều so với giấy phép; việc thu phí chợ cóc hình thành tự phát thiếu minh bạch; các công trình công cộng bị sử dụng không đúng chức năng…

Những bãi gửi xe “biến tướng”

Trong hàng loạt vấn đề người dân nêu lên thì bức xúc nhất là việc tồn tại các điểm đỗ xe sai quy định. Theo đó, ngày 29.7.2011, Sở GTVT thành phố có quyết định số 538 GTVT-GTDT cho sử dụng tạm thời đường phố để trông giữ
xe nằm trong khuôn viên KĐT và sau 6 tháng sẽ họp dân để lấy ý kiến xem có đồng ý ra hạn giấy phép hay không. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cuộc họp nào.

Cũng theo quyết định số 538 thì KĐT TH-NC được quy hoạch 4 bãi trông giữ xe nằm trên phạm vi các dãy nhà: N2C, N3A+N3B, N4+N6E, N5A+N5B+N5C+N5D.

Tuy nhiên, khi giao cho Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đô thị vẽ mặt bằng thì 2/4 bãi trông giữ xe đã bị “vẽ nhầm” khiến diện tích lớn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với giấy phép. Cụ thể, theo giấy phép, hai nhà N3A+N3B được cấp 1.592m2 đường nội bộ để làm bãi trông giữ xe. Tuy nhiên, Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác  đô thị lại đảo thành 1.952m2. Còn bãi trông xe nhà N5 (gồm các nhà N5A, N5B, N5C, N5D) còn bị “nhầm” từ 550m2 thành... 1.100m2.

Trong đơn thư phản ánh, người dân của các tòa nhà còn khẳng định: Khi giao cho HTX  nhà ở 19.8 quản lý, hầu hết các bãi trông giữ xe này đều nhận trông với số lượng xe lớn hơn nhiều so với giới hạn cho phép: Dân nhà N2C lập biên bản về việc bãi trông xe trước khu nhà nhận trông 45 xe trong khi diện tích chỉ đáp ứng khoảng 28 xe; nhà N3A+B có 110 xe trong khi chỉ đáp ứng 90 xe; nhà N4+N6E có 45 xe khi diện tích cho phép đỗ là khoảng 30 xe...

Từ “nhầm” diện tích rồi đến lúc đưa vào sử dụng lại nhận trông giữ quá nhiều xe khiến cho nhân dân KĐT TH-NC không còn lối đi, diện tích làm sân chơi dành cho trẻ em, sân thể thao cho các cụ đều mất hết (ảnh). Người dân đặc biệt lo ngại tình trạng trên sẽ dẫn đến các nguy cơ về cháy nổ hoặc gây cản trở công tác cứu thương, chữa cháy. Theo người dân nhà N2C cho biết, vào tháng 9.2011, có trường hợp một cụ già (phòng 603, nhà N2C) bị tử vong mà nguyên nhân chính vì bãi đỗ xe quá đông, tràn ra cả đường, xe cấp cứu đến nhưng không vào được.

Có trường, có chợ… cũng như không

Dân tái định cư sống tại KĐT TH-NC còn cảm thấy bị bỏ rơi khi nơi đây không được xây trường học, chợ búa, bệnh viện theo đúng nghĩa, bởi KĐT này cũng có trường mẫu giáo, trường tiểu học, nhưng đã bị “xã hội hóa” (nhà trẻ Trà Mi và Trường Tiểu học Ngôi Sao) dành cho con những người có thu nhập cao, với học phí từ 3-5 triệu đồng/tháng - một số tiền mà dân tái định cư không thể đáp ứng nếu muốn cho con học ở đây.

Thêm vào đó, KĐT này cũng không có chợ riêng, do đó khoảng 5 năm nay, hình thành tự phát một khu chợ cóc, tạm thời đáp ứng nhu cầu dân sinh. Từ khi có chợ cóc, HTX nhà ở 19.8 cũng thu phí khoảng 18 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản như: Dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo an ninh... thì mỗi tháng số tiền thu từ chợ cóc vẫn còn trên 10 triệu đồng và không rõ đã được sử dụng vào việc gì?

Cũng tại đây, một số tòa nhà có không gian sinh hoạt chung đang bị cho thuê làm địa điểm kinh doanh, như nhà họp cộng đồng N5D bị cho thuê làm cửa hàng bán điện thoại di động. HTX nhà ở 19.8 còn sử dụng luôn trạm an ninh khu vực ở tầng 1 nhà N5A để hoạt động.

Những vấn đề trên người dân đã kiến nghị đến cơ quan chức năng, nhưng không được giải quyết triệt để, nên đã gây ra bức xúc kéo dài. Yêu cầu đơn vị chức năng quản lý KĐT TH-NC, UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cần giải quyết những vấn đề nêu trên để người dân tái định cư yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Theo Chí Công

Lao Động

 

Các tin khác