Mặt hồ phải là nơi phục vụ lợi ích công cộng
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Hồ Tây là của chung, chúng ta phải nhìn nhận rằng, mặt hồ Tây đã nhỏ so với trước và ngày càng nhỏ khi mật độ xây dựng dày đặc quanh hồ cũng như cả TP Hà Nội. Hồ Tây là không gian mặt nước hiếm hoi không chỉ của vài chục vạn dân quanh hồ mà còn là không gian thư giãn, giải trí của chung 6,5 triệu người Hà Nội hôm nay và 10 triệu cư dân trong tương lai”.
|
KTS Trần Huy Ánh: Sân golf trên mặt hồ Tây là việc không nên làm. |
“Cá nhân tôi cho rằng, không gian công cộng của Hà Nội đang rất thiếu hụt, ngày càng bị thu hẹp, trong khi người thì ngày càng đông lên, diện tích không gian công cộng nhỏ bé còn lại cần được chúng ta giữ gìn. Chúng ta phải làm sao để người dân thực sự được chia sẻ lợi ích trong việc thụ hưởng không gian công cộng ấy”.
“Những năm 1960, hàng vạn thanh niên học sinh Hà Nội đã ăn cơm nhà, lao động tình nguyện để đắp nên con đường Thanh Niên, với mong ước tạo nên một không gian công cộng thoáng mát đẹp đẽ như ngày hôm nay để dành cho sinh hoạt chung. Vậy hồ Tây là của ai? Của toàn thể cư dân Thủ đô hay là của chủ đầu tư hay của bất kỳ một tổ chức doanh nghiệp nào đó. Nó là không gian để người dân Hà Nội thư giãn với cảnh quan thoáng đáng hay là nơi để kinh doanh kiếm tiền?” - KTS Ánh chia sẻ quan điểm.
Nhận định về vấn đề sân tập golf trên hồ Tây, KTS Trần Huy Ánh khẳng định: “Sân golf trên mặt hồ Tây là việc không nên làm. Nó thay đổi không gian thoáng đãng của mặt nước hồ Tây. Không nên vì lợi ích của một số ít người mà ảnh hưởng đến hoạt động công cộng (ngắm cảnh, bơi thuyền, hay những hoạt sinh kế vốn có của cư dân ven hồ...) . Không gian, khung cảnh hồ Tây là tài sản công cộng của người dân Hà Nội cần được tôn trọng, ưu tiên, và bảo vệ ”.
Tư liệu quản lý phải tốt
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây hồ Tây do nhiều cơ quan quản lý (UBND quận Tây Hồ quản lý dân cư trên địa bàn ven hồ, Sở GT-VT quản lý các phương tiện giao thông thủy trên hồ như du thuyền. Trong khi đó, nuôi trồng và khai thác thủy sản lại do Sở NN&PTNT đảm trách. Sở Công Thương lại có chức năng cấp phép kinh doanh cho các dịch vụ trên hồ Tây... ấy là chưa kể tới các lĩnh vực liên quan tới quản lý di tích, văn hóa, thể thao, du lịch... ) điều này dẫn đến sự chồng chéo.
Cũng do có quá nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm nên tình trạng mạnh ai người ấy làm đã dẫn đến tình trạng khai thác tiềm năng của hồ rất lộn xộn, từ các dịch vụ thủy sản, nhà hàng nổi đến các bến bãi…
Đến nay việc quản lý đã được thống nhất về một mối là UBND quận Tây Hồ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một sáng kiến tốt về quản lý.
Tuy nhiên từ thực tiễn, việc quản lý hiệu quả cũng phải dựa trên nhiều yếu tố. Theo các nhà khoa học, muốn quản lý tốt thì phải có công cụ quản lý, tư liệu quản lý, quy chế quản lý tốt . Muốn vận hành công cụ và quy chế quản lý tốt thì cần có tư liệu quản lý tốt.
Theo Bee.net.vn