Lãnh đạo và thuỷ điện
 

“Tôi bảo toà án nhân dân (TAND) huyện Nam Trà My bác đơn kiện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của 18 hộ dân này vì kiện không có lý. Nếu kiện EVN tích nước là sai. Thuỷ điện mà không tích nước thì làm thuỷ điện có ý nghĩa gì”, ông Nguyễn Ngọc Quang, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trả lời công khai với báo chí như vậy sau cuộc họp ngày 2.11.

Ban quản lý thủy điện sông Tranh 2 khắc phục sạt lở tuyến ĐT 616 lên huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Lan Nhi

Cuộc họp này do UBND tỉnh chủ trì, diễn ra khi 18 hộ dân ở khu vực Nước Xa thuộc huyện Nam Trà My gửi đơn đến TAND huyện khởi kiện EVN tích nước thuỷ điện Sông Tranh 2, làm nhấn chìm nhà cửa, tài sản của họ. Trước đó, do không chấp nhận đơn giá đền bù của EVN, 18 hộ dân nói trên không chịu di dời khỏi khu vực lòng hồ. Bất chấp tính mạng và tài sản của những người dân này, thuỷ điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước, làm ngập toàn bộ nhà cửa của dân vào cuối tháng 10 vừa qua.

Ông Quang phát biểu trong bối cảnh người dân Nước Xa hứng chịu nhân tai phải đi thuê nhà ở, hoặc sống trong những căn lều tạm bợ trong rừng. “Tôi đề nghị hai bên (EVN và người dân – PV) phải có sự thoả thuận giá bồi thường theo đúng quy định hiện hành thì nhận tiền ngay. Trước mắt, thuỷ điện cần xem xét xả nước để chúng tôi di chuyển nhà cửa, đồ đạc ra khỏi lòng hồ”, ông Mạc Xuân Nguyên, một trong 18 nạn nhân của vụ tích nước nói như vậy. Dù đang rất bức xúc cảnh màn trời chiếu đất, nhưng những người dân ở đây vẫn bình tĩnh, giải quyết vụ việc theo đúng trình tự pháp luật. Khác hẳn với thái độ của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cụ thể là ông Quang, dù chỉ mới là lời nói, can thiệp vào hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của cơ quan toà án.

Về nguyên tắc, thuỷ điện là dự án không thuộc diện nhà đầu tư phải thoả thuận với dân theo nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là người dân thuộc diện giải toả di dời trong dự án bị tước quyền đàm phán và phản biện đối với chủ đầu tư, vì đó là đơn vị trực tiếp bỏ tiền ra đền bù cho dân.

Quảng Nam hiện là một trong những địa phương đứng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên về mật độ thuỷ điện. Theo quy hoạch trước đây, những con sông của tỉnh này phải gánh đến 62 nhà máy thuỷ điện. Việc chính quyền tỉnh thu hút nhà đầu tư xây dựng thuỷ điện ồ ạt đã xảy ra nhiều hậu quả trước mắt về môi trường và nhân văn. Năm 2005 – 2006, vụ phá rừng nguyên sinh nghiêm trọng xảy ra ở công trình thuỷ điện Khe Diên thuộc huyện Nông Sơn. Ngày 29.9.2009, thuỷ điện A Vương xả lũ gây lũ lịch sử cả vùng và chôn vùi toàn bộ nhà cửa của một ngôi làng ở Đại Lộc. Năm 2010 xảy ra tranh chấp nguồn nước giữa thành phố Đà Nẵng và thuỷ điện Dăk Mi 4 thuộc tỉnh Quảng Nam. Thuỷ điện Sông Tranh 2 của EVN đầu tư nhùng nhằng trong công tác đền bù cho dân từ đầu đến cuối. Khi nhà đầu tư được lãnh đạo tỉnh ủng hộ, chưa phải là tất cả, nếu không làm đúng pháp luật!

Theo SGTT.VN

 

Các tin khác