Cầu cảng Lý Sơn mới đưa vào hoạt động được hai tháng nhưng tàu thuyền không dám vào neo trú Tàu thuyền không thể neo trú lúc biển động Cầu cảng Lý Sơn bị cơn bão số 9 năm 2009 đánh gãy và hư hỏng hoàn toàn. Suốt một thời gian dài, hàng trăm tàu hàng, tàu khách phải neo trú tạm ở âu thuyền An Hải. Trước tình hình đó, UBND huyện Lý Sơn đã xin kinh phí xây dựng cầu cảng mới tại vị trí cầu cảng cũ nhằm phục vụ việc neo trú tàu thuyền của hàng trăm ngư dân trên đảo. Cầu cảng được thiết kế theo kiểu sắp đạt hàng ngàn khối bê tông đúc sẵn, cùng hệ thống cọc khoan ngầm dưới rạn san hô. Công trình có sức chịu đựng sóng gió cấp 11-12. Sau hơn hai năm thi công, vào đầu tháng 9/2011, Công ty cổ phần xây dựng Thành An 96 mới chính thức bàn giao cho huyện Lý Sơn (chậm tiến độ gần một năm). Thế nhưng chỉ sau khi đưa vào sử dụng được gần hai tháng thì nhiều ngư dân đã liên tục phản ánh tàu cá bị sóng đánh tấp va vào thành bê tông cầu cảng hư hỏng. Ngoài ra, mỗi khi biển động có gió cấp 5 là tàu không thể cập cảng. “Cầu cảng hình chữ T lúc trước, gió thế nào tàu thuyền cũng neo trú được, vậy mà ở cầu cảng mới gió chỉ tầm vừa là không dám cập rồi” – ngư dân Phạm Văn Nhân cho biết. Ông Võ Minh Thánh, Giám đốc Ban quản lý cầu cảng Lý Sơn cho biết, từ khi cầu cảng mới đưa vào hoạt động, lúc đầu tàu thuyền của ngư dân còn vào neo trú. Nhưng từ ngày thời tiết thay đổi, biển động thì không tàu thuyền nào dám vào do “sóng ở đây lúc nào cũng lớn hơn sóng ngoài bên cả”! Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn xác nhận đã ra thông báo tàu thuyền không nên neo trú ở đây mà nên vào neo trú ở cảng An Hải để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Theo ông, tàu thuyền chỉ nên cập vào neo trú ở cầu cảng Lý Sơn lúc… thời tiết thuận lợi. “Nói chung lúc biển êm, sóng ít thì có thể cập, còn thời tiết bất thường thì người dân nên “tùy cơ ứng biến” chọn nơi neo trú cho an toàn” – ông Nguyên cảnh báo. Mặc dù biển êm nhưng do hệ thống tiêu sóng kém hiệu quả nên sóng dội từ chân cầu cảng trở ra vẫn rất mạnh Thiết kế “có vấn đề”? Do tình hình trên đây nên nhiều chủ tàu cá, tàu khách, tàu hàng buộc phải tìm về neo trú ở âu thuyền An Hải khiến việc di chuyển xa hơn, tốn kém nhiên liệu và thời gian. “Nếu tàu khách của tôi vào neo trú ở cầu cảng An Vĩnh thì từ cảng Sa Kỳ ra tới Lý Sơn phải mất thêm 20 triệu đồng/tháng bù vào tiền xăng, dầu cho quãng đường vòng” – anh Dương Văn Thọ, chủ tàu khách An Hải chạy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn cho biết. Không chỉ khó khăn cho tàu cá, tàu khách mà hàng ngày chiếc tàu có công suất nhỏ là phương tiện duy nhất nối đảo Bé (xã An Bình) với đảo lớn Lý Sơn cũng gặp rất nhiều khó khăn do tàu không đủ độ cao để bằng ngang so với mặt cầu cảng. Do vậy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi người dân lên tàu ra đảo. Theo nhiều chủ tàu thuyền thì thiết kế cầu cảng mới ở Lý Sơn rõ ràng là “có vấn đề”. Ngư dân Phạm Văn Nhân cho hay, ở cầu cảng mới khi sóng tấp vào thì dội ra rất mạnh và khả năng tiêu sóng dường như không có tác dụng. “Cầu cảng gì mà gió bên ngoài cấp 5 nhưng sóng đập vào cầu cảng dội ra cấp 6, cấp 7, làm sao dám neo đậu tàu thuyền. Xây cầu cảng vài chục tỉ đồng mà sao lãng phí vậy!” – anh Nhân bức xúc nói. Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cũng nhận định, nguyên nhân khiến cầu cảng mới xây bị phản tác dụng là hệ thống tiêu sóng hẹp và gần mặt nước hơn so với cầu cảng cũ nên sóng đập vào không thể tiêu hết mà tạo ra sóng dư và lực đẩy mạnh hơn. ‘Chúng tôi sẽ yêu cầu Ban quản lý cảng Lý Sơn xem lại, nếu có sai sót sẽ yêu cầu các đơn vị thiết kế, thi công khắc phục nhằm đảm bảo cho việc cập tàu thuyền, bất kể biển êm hay biển động” – ông Nguyên cho biết. Theo infornet
MẠNG KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VIỆT NAM
VIETNAM NETWORK OF BODIES FOR ASSESSING CONSTRUCTION QUALITY CONFORMITY