Nội thành thiếu cây xanh, ngoại thành thừa cây độc
Việc quy hoạch cây xanh ở Đà Nẵng đang bất cập, có nguy cơ gây lãng phí ngân sách và thậm chí là nguy hại cho người dân.  

Lợi bất cập hại

Mặc dù TP.Đà Nẵng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào việc quy hoạch cây xanh nhưng hiện nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng vẫn vắng bóng cây xanh.

Thành phố mới đạt mật độ cây xanh công cộng 1,57m2/người. Ở thời điểm đầu năm 2010, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng được thành phố giao cho 1,8 tỷ đồng để chỉnh trang cây xanh đối với 7 tuyến đường phố chính như: phía tây đường Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Duẩn, đường 2/9, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ và Cách Mạng Tháng Tám. Thế nhưng, sau gần 3 năm, những tuyến đường này vẫn là sự hỗn tạp của nhiều cây xanh và đang được lập kế hoạch tiếp tục... chỉnh trang.

Nội thành Đà Nẵng thiếu cây xanh
 


Ở nhiều tuyến đường, cây mới trồng chưa kịp tạo khoảng xanh thì buộc phải nhổ để mở rộng đường sá hoặc cây không phù hợp buộc phải thay thế. Chỉ tay về những gốc cây mới bị đốn hạ chưa được bao lâu, cụ Nguyễn Văn Lan (gần 80 tuổi, trú đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) bức xúc nói: “Mới đây, chúng tôi rất bất ngờ và tức giận khi thấy hàng trăm cây hoa sữa lớn hơn chục năm tuổi ở tuyến đường này bị chặt hạ. Tại sao, cây hoa sữa đẹp như vậy lại đốn đi mà thay vào đó là các cây độc hại như trúc đào, sò đo cam? Phải chăng thành phố Đà Nẵng đã thừa tiền?”.

Trong khi đó tại hai bờ sông cầu Cẩm Lệ, Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, đường Tuyên Sơn- Túy Loan… đã xuất hiện rất nhiều cây mai dương (tên khoa học là Mimosa pigra L. thuộc phân họ Trinh nữ - Mimosoideae, họ Đậu – Fabaceae) bao phủ. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã xếp cây mai dương là một trong 100 loài sinh vật xâm hại, hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. Mai dương làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong vùng, do chứa chất mimosin-loại axit amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…

Còn tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, ngoài cây mai dương thì hiện có khoảng 600ha trong tổng số 4.370ha rừng đang bị dây bìm bìm (có tên khoa học là Merrenaia boisiana) bao phủ. Đây là loại cây dây leo có khả năng tái sinh chồi rất nhanh và mạnh, mọc lấn áp cây rừng và cây trồng khác, chiếm lĩnh tầng tán, che khuất ánh sáng làm cho cây trồng sinh trưởng chậm và có nguy cơ chết dần.

Tốn tiền tỉ vẫn không “diệt” được

Ban quản lý rừng cấm quốc gia Sơn Trà cho biết, phải thuê người xử lý bìm bìm bằng phương pháp thủ công, phát quang dây leo nhưng không mấy hiệu quả do diện tích rừng bị dây leo bao phủ rộng lớn, việc tiếp cận đến khu vực có dây leo hết sức khó khăn.

Từ đầu năm 2008, ngành lâm nghiệp Đà Nẵng đã đề nghị được đầu tư 3 tỷ đồng cho các hạng mục khảo sát thiết kế lập dự án xử lý; phát luồng dây leo thực bì, đào gốc, thu gom và xử lý. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, kinh phí để xử lý triệt để loại dây này có thể lên đến 30 tỷ đồng và công việc phải được tiến hành trong nhiều năm.

TP.Đà Nẵng đã đầu tư rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa diệt được dây leo bìm bìm “tấn công” khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà


Để hạn chế sự phát triển và diệt trừ cây mai dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền cho nông dân và các chủ đất phá bỏ triệt để mai dương con mới mọc… 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, do hạn chế về nguồn vốn nên giải pháp trên chỉ mang tính tình thế. Liên quan đến việc cây độc trúc đào và sò đo cam đang được “ưu ái” trồng tran lan trên phố, một số nhà khoa học cho rằng, hiện có rất nhiều loại cây đẹp, có tán rộng để cho bóng mát nên không nhất thiết cứ phải chọn hai loại cây này để trồng.

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng vừa hoàn thành đề án “Phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2011- 2015”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2015, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại thành phố sẽ đạt từ 6- 7m2, cây xanh công cộng đạt từ 2,5- 3,5m2/người. Để thực hiện đề án, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề xuất nguồn vốn lên đến 2.150 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, đề án vẫn đang chờ xem xét vì nhiệm vụ trước mắt của TP.Đà Nẵng lúc này là diệt trừ các loại cây độc đang “tấn công” ở các khu dân cư.

Theo báo Đất việt.

 

Các tin khác