Hội An lấp biển làm du lịch?
"Dã tràng xe cát” không còn là câu châm biếm của những việc làm phi thực tế. Những dự án resort, khu sinh thái ven biển… khi triển khai ồ ạt tại dải bờ biển Hội An, chủ dự án muốn có mặt bằng phải chi rất nhiều tỷ đồng mua cát để… lấp biển.  

Đường nhựa lấn sát mép biển

Dọc trục đường nối Hội An – TP Đà Nẵng dài gần chục km mới nâng cấp ôm sát eo biển, không thể đếm chính xác được bao nhiêu sự án sinh thái, resort… ven biển từ Cửa Hội chạy xuống phường Cẩm An.

Nhiều dự án đã hoàn thành (như Victorya, Golden Stand, Khu sinh thái ven biển do Agribank làm chủ đầu tư…) nhưng cũng có rất nhiều dự án đang xây dựng, nhiều dự án khác bị thu hồi giấy phép vì chậm tiến độ hay không thực hiện đúng cam kết.

Trước đây, phần đất ven biển Cẩm An là những vạt phi lao được trồng để chắn gió chắn sóng...

 

Khu du lịch sinh thái biển Hội An – Tri Việt Qudos là một trong nhiều dự án đang được xây dựng trên 7km bờ biển của Hội An. Dự án do Cty Cổ phần Tri Việt Hội An làm chủ đầu tư; tư vấn thiết kế và nhà thầu là hai đơn vị ngoại.

Dự án được triển khai trên hơn 10ha bãi biển thuộc phường Cẩm An, giấy phép xây dựng được cấp ngày 29/4/2011.

Thời điểm chúng tôi có mặt vào cuối tháng 10/2011, dự án vẫn đang thực hiện công tác san lấp mặt bằng. Chủ đầu tư phải nâng mặt bằng vì mặt bằng cũ rất thấp, bờ biển không có bãi cát mà chỉ là mặt nền trơ cứng bị sóng biển bào mòn. Rất nhiều xe tải trọng lớn chở cát từ các nơi khác đến để… lấp biển.

So sánh với dải đất ven biển liền kề chỉ là một bãi đất thấp tè, mặt bằng của Tri Việt đã được nâng cao lên tới hơn 1m. Dải đất thấp tè này cũng đã được chia lô, phân thửa cấp cho một dự án liền khác có tên Khu sinh thái du lịch biển T.S.

Dự án liền kề với DA Tri Việt Qudos dường như bị “bỏ hoang” đã lâu.

 

Một nhóm công nhân đang triển khai xây dựng hệ thống kè bê-tông ngay sát mép biển. Hố móng được đào sâu chừng hơn chục mét và dày hơn 1m, với những cốt sắt đã được gia cố như phên liếp.

Phần lớn các dự án resort, khu nghỉ dưỡng ven biển Hội An, các chủ đầu tư đều phải mất nhiều tiền của và thời gian để xây dựng phần hạ tầng này, vì những dự án không chịu làm kè bê-tông, sóng biển đánh sạt tới cả phần móng, kéo sụt vài chục mét đất, chủ đầu tư phải bỏ tiền tỷ để gia cố, khắc phục.

Trước đây, phần đất ven biển Cẩm An là những vạt phi lao được trồng để chắn gió chắn sóng, lớp ngoài cùng là những hàng dừa.

Tuy nhiên, khi dự án được cấp tại đây, không chỉ riêng dự án khu du lịch sinh thái biển Tri Việt, tất cả các dự án khác đều “bứng” thảm cây trồng phòng hộ ven biển này để lấy.

Một cụm dừa sát mép biển xơ xác trong gió, nhiều thân cây bị đốn ngang, nhiều xác dừa lẫn trong đống cát đá... càng khiến biển Cẩm An về chiều thêm tê tái. Dưới sự “công phá” của máy móc và sức người, một cốt đường đã được san ủi sát mép biển, chỉ cách lưỡi nước chừng vài chục mét, nhiều đoạn đã được trải nhựa phẳng.

Cùng với hệ thống kè cứng bằng bê-tông, những cốt đường này thực sự là những boong-ke cản phá sóng biển đánh vào bờ và tạo thành vách khiến sóng biển… không có đường rút.

Dự án liền kề với DA Tri Việt Qudos dường như bị “bỏ hoang” đã lâu. Chủ đầu tư mới hoàn thiện xây thô được hai khu nhà nằm trơ trọi giữa mênh mông dứa dại, xây dựng tường bao chạy từ mép đường đến sát mép biển.

Chân bức tường bao này bị biển xâm thực đánh trật khấc cả phần chân móng, và không có dấu hiệu đảm bảo nó sẽ chống chọi được với sóng biển đến thời gian nào!?

Cắt xẻ bờ biển, Hội An có phát triển thêm được du lịch?

Thế mạnh mang tính truyền thống của du lịch Hội An đó văn hóa phố cổ, du lịch làng nghề và du lịch sinh thái. Những dự án resort, du lịch sinh thái ven biển tại Hội An mới thực sự bắt đầu trong khoảng 5 – 6 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An thẳng thắn: việc cấp phép cho các dự án ven biển được Hội An tiến hành xem xét, thẩm định cẩn trọng chứ không ồ ạt. Những DN vào đầu tư phải có năng lực thực sự Hội An mới cho vào, nếu vào chỉ để “giữ chân” thì kiên quyết không cho vào.

Một nguyên tắc trong cấp phép dự án ven biển tại Hội An, theo ông Sự, đó là dự án này cách dự án kia tối thiểu 200m.

“Đó là khoảng không để biển không bị che lấp, người dân có đường đi ra biển để mưu sinh và tắm biển. Chủ dự án chỉ được quyền sử dụng phần đất ven biển được cấp, còn biển vẫn là của chung, anh không được phép “tư hữu” phần mặt biển đó được. Điều quan trọng của những khoảng trống giữa các dự án, nó là “đường rút” khi sóng biển đánh vào bờ”.

Ông Trần Thành, Trưởng Văn phòng thông tin du lịch (Phòng Thương mại Du lịch Hội An) thông tin: các dự án ven biển này đã có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của du lịch Hội An. Lượng khách lưu trú tại Hội An nhiều hơn trong thời gian lâu hơn, thay vì trước đây họ thường trở về nghỉ tại TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, những dự án ven biển này cũng gây nhiều phiền toái: “Mặt chưa được của các dự án này, đó là gây ô nhiễm môi trường biển, khoảng không gian biển bị che lấp đi.

Một hậu quả lớn khác đó là rừng phòng hộ ven biển bị chặt phá. Ngày xưa phi lao đầy ra đó, khi phát triển những khu resort người ta bứng đi hết. Sai lầm này Hội An cũng đã phát hiện ra. Các chủ dự án trong thiết kế xây dựng đều dành khoảng không gian để trồng dừa hay cọ để chắn gió, chắn cát, chắn sóng nhằm ngăn chặn sự xâm thực của biển”.

Cũng theo ông Thành, nhiều dự án được xây dựng, nhiều dự án đắp chiếu trong thời gian dài vì nhiều lý do, trong đó có lý do các chủ dự án xin dự án để chuyển nhượng, buôn bán.

Theo Vietnamnet

 

Các tin khác