Nhận dự án để đấy!
Ngày 3/10/2010, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) chính thức làm lễ khởi công dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình dài 33,5 km, với số vốn dự toán trên 6.700 tỷ đồng. Đây là dự án BT (xây dựng - chuyển giao) được tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng với Geleximco. Theo đó, để có nguồn vốn đối ứng làm con đường này, Geleximco đã được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho rất nhiều khu đất kinh doanh để tạo nguồn vốn.
Phối cảnh dự án hoành tráng...
Theo thiết kế, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là tuyến cao tốc đạt tiêu chuẩn loại B, có mặt cắt rộng 33 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Đây là 1 trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 01/12/2008. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ làm giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 6, khơi dậy tiềm năng phát triển của Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc.
Với những ý nghĩa như vậy, dự án đường cao tốc này được tỉnh Hòa Bình đặt nhiều kỳ vọng và quyết tâm thực hiện rất cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trong nhiều gói thầu của tuyến cao tốc, mới chỉ có duy nhất gói R4, đoạn từ Km13+050 - Km 17+000 được khởi công. Các gói thầu còn lại như R5, R6, R7, R8, R9, nếu theo lịch đã phải khởi công lần lượt từ tháng 4 đến tháng 8/2011, song đến nay vẫn án binh bất động.
Ngay với gói thầu R4 trị giá hơn 464 tỷ đồng, là gói thầu duy nhất đang được chủ đầu tư triển khai, được khởi công từ tháng 10/2010 và dự tính đến tháng 9/2012 sẽ hoàn thành. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, dù thời gian đã hết hơn 50%, nhưng khối lượng công việc mà đơn vị thi công làm được cũng rất ít. Theo khảo sát của phóng viên ĐTCK, gói thầu R4 dài gần 4 km đi qua địa phận xã Yên Quang (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) sau hơn 1 năm tiến hành, chủ đầu tư mới chỉ san lấp và làm được một phần cốt nền rất nhỏ. Các hạng mục khác như hệ thống cống hộp, chỉ làm được một phần rồi bỏ đấy, công nhân và máy móc của nhà thầu cũng chỉ xuất hiện lác đác trên công trường.
... nhưng tiến độ thi công rùa bò
Ì ạch vì chậm giải ngân?
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Đăng Ninh, Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho biết: "Để thực hiện dự án này, tỉnh Hòa Bình từng có kế hoạch cấp cho Geleximco dự án Nam Láng - Hòa Lạc rộng gần 1.000 héc-ta nằm trên địa phận huyện Lương Sơn để chủ dự án khai thác làm vốn đối ứng. Thế nhưng, từ ngày 1/8/2008, các xã có đất thuộc dự án này lại tách về Hà Nội, nên dự án ấy thuộc về Hà Nội. Vì vậy, UBND Hòa Bình giao chủ đầu tư 3 dự án là: dự án Sân golf Hòa Bình, dự án Khu đô thị mới (ĐTM) Trung Minh và Khu ĐTM Yên Quang với tổng diện tích khoảng 700 héc-ta".
Mới đây, chủ dự án tiếp tục đề xuất xin thêm 2 dự án đô thị là dự án khu ĐTM Kỳ Sơn 2 và dự án ĐTM Kỳ Sơn 3, với tổng diện tích khoảng 300 héc-ta. Đề xuất này đang được UBND tỉnh xem xét. Ngoài ra, ông Ninh còn cho biết thêm: "Sắp tới, nếu chủ đầu tư đề xuất thêm dự án ở bất kỳ đâu để khai thác vốn thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tỉnh cũng sẽ đồng ý, miễn là đề xuất ấy phù hợp với quy hoạch".
Gải ngân chậm dẫn đến tiến độ thi công gói thầu R4 gần như dậm chân tại chỗ
Trong khi chính quyền sở tại vẫn cố gắng đáp ứng điều kiện của chủ dự án và tạo thuận lợi để dự án triển khai theo đúng tiến độ thì trên thực tế, các gói thầu không được chủ dự án thực hiện theo dự kiến.
Trao đổi với ĐTCK, ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, tiến độ của các gói thầu đều rất chậm. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo ông Đức, một phần do mưa nhiều, một phần do tỉnh chưa bàn giao được 100% diện tích mặt bằng cho chủ dự án. Thế nhưng, một nguyên nhân khác, rất quan trọng được Giám đốc Sở GTVT tiết lộ là do chủ đầu tư đã giải ngân quá chậm!
Cụ thể, tính đến thời điểm 31/10/2011, chủ dự án chỉ giải ngân cho gói thầu R4 (có giá trị dự toán trên 464 tỷ đồng) 25,8 tỷ đồng. Còn nếu tính tổng số tiền giải ngân cho toàn dự án trên 6.700 tỷ đồng này, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, đến cuối tháng 10/2011 cũng chỉ đạt 174,86 tỷ đồng.
Tiến độ giải ngân quá chậm đang là nguyên nhân cơ bản khiến dự án đường cao tốc được tỉnh Hòa Bình đặt nhiều kỳ vọng dậm chân tại chỗ và nếu tình hình này tiếp tục diễn ra thì việc hoàn thành vào năm 2014 như chủ dự án đã cam kết là điều không thể. Những trần tình của chủ dự án là Geleximco sẽ được ĐTCK đăng tải trên số báo ra ngày 2/11 này.
(ĐTCK-online)