Nhiều công trình trọng điểm vừa xong đã... hỏng
Việc lập dự án và tư vấn còn lệ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý, thẩm định phê duyệt đề cương lập dự án còn nhiều khiếm khuyết, khâu giám sát, kiểm định phúc tra có nhiều sai sót… Vì vậy, một số công trình trọng điểm vừa làm xong đã hỏng.  

Đó là thừa nhận của Cục phó Cục Quản lý chất lượng và Xây dựng công trình, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - ông Lê Thanh Hải về kết quả thực hiện năm chất lượng công trình giao thông 2011.

Cầu Thăng Long là 1 trong 6 dự án bị coi là có những sai sót
kinh điển khi mổ xẻ vấn đề chất lượng sau sửa chữa

“Qua báo cáo của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thì những dự án triển khai trong năm 2011 và đưa vào khai thác sử dụng không để xảy ra sự cố, vi phạm lớn về chất lượng công trình. Tuy nhiên ở một vài công trình trước đây đã đưa vào sử dụng vẫn còn tồn tại, khuyết điểm chưa được khắc phục triệt để, sự chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng vẫn chưa được nhiều” - ông Lê Thanh Hải cho hay.

Lý giải cho những tồn tại này, ông Lê Thanh Hải chỉ ra những thiếu sót từ công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó từ khi lập dự án, tư vấn còn lệ thuộc quá nhiều vào ý chí của các cơ quan quản lý. Nhất là các dự án đi qua các địa phương, các tư vấn đều lập theo đề nghị của địa phương về quy mô, hướng chuyển mà không chủ động làm theo đều xuất của mình dẫn đến khi lập thiết kế kỹ thuật phải điều chỉnh lại thiết kế cơ sở. Công tác thẩm định phê duyệt đề cương lập dự án vẫn còn nhiều khiếm khuyết, việc cắt giảm vi phạm đo đạc số lượng hố khoan chưa xác đáng.

“Công tác thẩm tra ở một số dự án còn mang tính hình thức, năng lực tư vấn thẩm tra hạn chế (còn nể nang đưa vào). Trong nhiều trường hợp, tư vấn đã sử dụng tư vấn phụ (kể cả dự án ODA), các tư vấn phụ thực hiện thiết kế lập dự án không chính xác, chất lượng không đảm bảo. Nhiều dự án mới làm xong đã trở nên lạc hậu và phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư” - ông Hải cho hay.

Trong khi đó, chất lượng công trình có được đảm bảo hay không phụ thuộc vào tư vấn giám sát, nhiệm vụ của tư vấn giám sát là thay mặt chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án) để giám sát thi công, chấp nhận khối lượng, chất lượng của nhà thầu thi công, chấp thuận biện pháp thi công để nhà thầu thi công, thay mặt chủ đầu tư đề xuất quyết định việc xử lý kỹ thuật tại hiện trường… Nhưng, ông Hải cho lại 1 lần nữa phải thừa nhận rằng lực lượng này tuy đông về số lượng nhưng thiếu nhiều chuyên gia giỏi; hoạt động giám sát chất lượng của tư vấn giám sát chưa thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ của mình, không kiểm soát được chất lượng công trình trong quá trình thi công của nhà thầu hoặc chưa kiên quyết xử lý các vi phạm về chất lượng trong quá trình thực hiện dự án; đạo đức tư vấn, sự minh bạch còn là vấn đề cần xem xét kỹ hơn.

Ông Hải cũng nêu ra tồn tại về tư vấn kiểm định phúc tra. Cụ thể, hệ thống thí nghiệm của một vài tư vấn kiểm định đa phần thiếu sót, hoạt động kiểm định chất lượng chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa có quy trình kiểm định, cơ sở đào tạo và quy định về năng lực của kiểm định viên. Có thể nói lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, tư vấn kiểm định phúc tra là công cụ của chủ đầu tư để đánh giá chất lượng công trình song nhiều tư vấn thực hiện đã không trung thực khu thí nghiệm sản phẩm.

Có lẽ chưa khi nào những vấn đề nóng của ngành giao thông lại được đưa ra mổ xe, đánh giá kỹ càng như thế, và cũng chưa khi nào giới chức ngành giao thông lại dám đứng lên thừa nhận vấn đề một cách thẳng thắn như bây giờ. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng đặt câu hỏi tại sao ở những công trình có chất lượng tồi nhưng người có trách nhiệm lại cứ bình chân như vại? Rõ ràng, cần phải phân định trách nhiệm của từng người, kể cả Thứ trưởng và Bộ trưởng.

Nguồn: dantri.vn

 

Các tin khác