Đặc cách và đối ngoại
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Đình Phúc - Bí thư Huyện ủy Thanh Trì cho biết, sau khi có dư luận về dự án nhà ở cho cán bộ, công chức của huyện Thanh Trì, huyện ủy đã có kết luận và chỉ đạo UBND huyện ra thông báo với nội dung tập trung làm rõ những thắc mắc, băn khoăn về dự án trên.
Trả lời câu hỏi vì sao nhà ở thương mại lại tổ chức xét duyệt đối tượng được mua, ông Triệu Đình Phúc cho rằng, việc ấy chỉ để phân biệt căn hộ to nhỏ, “chứ ai cũng có suất, ai nhiều năm thì căn to, ai ít năm thì căn nhỏ”. Theo ông Phúc, nếu dự án trên là dạng nhà ở xã hội thì sẽ rất ít người đủ tiêu chuẩn mua bởi quy định của thành phố về đối tượng mua nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở, có nhà ở nhưng có diện tích ở tối thiểu dưới 5m²...
Cũng theo ông Phúc, khi được thông báo nộp gần 90 tỷ đồng tiền sử dụng đất, ông định lên báo cáo Thành ủy Hà Nội “vì sao phải nộp số tiền đó” nhưng cuối cùng... cũng đành nộp. Ông Phúc cho rằng ý tưởng của huyện là rất tốt bởi quan tâm đến cán bộ, công chức. Ai có nhu cầu thì được mua nhà theo giá gốc. “Ý tưởng tốt đẹp thế nhưng báo chí không khen ngợi mà cứ xoáy sâu vào những tiêu cực. Chúng tôi đang đi đầu để nếu có thành quả thì các quận, huyện khác làm theo...”, ông Phúc nói.
Việc Bí thư Huyện ủy Thanh Trì nói về các tiêu chuẩn để được mua nhà ở xã hội hoàn toàn chính xác. Nếu dự án nhà ở cho cán bộ huyện Thanh Trì là nhà ở xã hội thì chắc chắn huyện sẽ phải thực hiện theo quy định của thành phố về loại hình nhà ở trên. Và khi đó, trong báo cáo tổng hợp tiêu chuẩn được mua nhà (báo cáo số 54/BC–NV–QLĐT) của Phòng Nội vụ (Thanh Trì) sẽ không có mục V/Các trường hợp được đặc cách (kể cả những trường hợp đã được phân chia nhà, đất) cùng những suất dành đối ngoại (15-30 suất).
Thay thế “tối hậu thư”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 28/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Chu Nguyên Thành đã ký thông báo (số 225/TB-BCĐ) về dự án nhà chung cư liên cơ quan huyện Thanh Trì. Tại thông báo này, huyện Thanh Trì một lần nữa khẳng định đây là dự án nhà thương mại và không được hưởng các cơ chế ưu đãi như đối với một dự án nhà ở xã hội.
Cũng theo thông báo, thời hạn ký hợp đồng và nộp tiền được gia hạn đến 31/10 (đây là thời hạn dự kiến hoàn thành việc thi công phần móng công trình). Các trường hợp đã ký hợp đồng và nộp tiền từ ngày 22/8 đến ngày ra thông báo thì được tính lãi theo quy định kể từ ngày nộp đến ngày 31/10. Kể từ ngày 1/1/2012 trở đi, những trường hợp chưa ký hợp đồng và chưa nộp tiền đợt 1 coi như không có nhu cầu mua nhà... Thông báo trên thay thế toàn bộ các thông báo trước đó về thời gian ký hợp đồng và nộp tiền đợt 1.
Sau khi công luận lên tiếng, “tối hậu thư” đã được thay thế bằng thông báo mới, việc huy động vốn khi chưa hoàn thành xây dựng móng được lý giải là “vì lợi ích của các đồng chí thuộc diện mua nhà”, giá bán căn hộ “sẽ thực hiện kiểm toán độc lập và quyết toán theo giá trị thực tế hoàn thành”...
Vậy là, từ một dự án với ý tưởng ban đầu là nhà chính sách, lãnh đạo thành phố cũng đồng ý nghiên cứu theo hướng nhà ở chính sách, nhưng khi cấp phép đầu tư lại bị biến thành nhà ở “nhằm mục đích kinh doanh”. Thêm nữa, nếu đã là nhà ở thương mại thì việc đầu tư xây dựng, bán nhà sẽ không thuộc thẩm quyền của UBND huyện Thanh Trì. Khi đó, chỉ có doanh nghiệp đầu tư mới có quyền bán, thông báo cho người mua theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. UBND huyện Thanh Trì lấy tư cách gì để thông báo cho cán bộ mình mua nhà ở thương mại?
Theo Giadinh.net