Phát động thi đua 330 ngày đêm trên công trường xây dựng Nhà Quốc hội
Thứ ba, 07 Tháng 2 2012 12:36 Chiến dịch thi đua 330 ngày đêm hoàn thành các mục tiêu tiến độ năm 2012 công trình xây dựng Nhà Quốc hội mới chính thức được phát động ngày 01/02 trên đại bản doanh công trường. Tới dự buổi có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trịnh Đình Dũng - UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đặng Ngọc Tùng - UVTW Đảng, Chủ tịch TLĐLĐVN, Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch CĐXDVN. Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đại diện các Cục, Vụ, Viện và lãnh đạo các Tập đoàn ngành Xây dựng, các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát trên công trường cũng đã có mặt tại buổi Lễ trang trọng này.  

 


Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ phát động thi đua

Phát biểu khai mạc lễ phát động, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch CĐXDVN khẳng định: “Từ khi Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng công trình, đến nay các đơn vị và cán bộ, kỹ sư, CNLĐ đã luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, áp dụng các biện pháp thi công tiên tiến, huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực để hoàn thành các phần việc được giao.”. Tuy nhiên, với quỹ thời gian để hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng theo kế hoạch chỉ còn 1 năm rưỡi mà khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy lãnh đạo Bộ Xây dựng và CĐXDVN quyết định phát động Chiến dịch Thi đua 330 ngày đêm hoàn thành các mục tiêu tiến độ năm 2012 theo hướng bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối.

 

Theo đó Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chiến dịch thi đua 330 ngày đêm trên công trường Nhà Quốc hội đã được công bố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng lĩnh ấn tiên phong với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Chiến dịch. Bộ trưởng khẳng định: “Được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ đầu tư công trình quan trọng này, tập thể lãnh đạo Bộ Xây dựng hết sức coi trọng ý nghĩa chính trị to lớn của công trình. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để thực hiện công trình với chất lượng cao nhất, Bộ Xây dựng tập trung huy động, lựa chọn các đơn vị quản lý dự án, giám sát, thi công tinh nhuệ nhất của Ngành. Đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tổ chức quản lý dự án là những người có kinh nghiệm, chuyên nghiệp, đã từng trực tiếp tham gia quản lý nhiều dự án, thi công nhiều công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, có nhiều đóng góp to lớn trên các công trình trọng điểm trên khắp mọi miền đất nước như Tập đoàn Sông Đà, TCty Xây dựng Hà Nội....”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dự Lễ phát động thi đua, động viên các cán bộ, CNV nỗ lực hoàn thành tốt các hạng mục của công trình

Về cơ chế để thúc đẩy tiến độ thi công dự án, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Ngay từ khi chuẩn bị đầu tư, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để bảo đảm chất lượng và tiến độ cho công trình. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo BQLDA thường xuyên bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước, phối hợp có hiệu quả với các đơn vị có liên quan, tích cực chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các lực lượng tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công đã luôn sát cánh cùng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chủ động tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ”.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trong bài phát biểu trước toàn thể CBCNV Ngành Xây dựng có mặt tại buổi Lễ: “Chúng ta đang chứng kiến một trong những thời khắc quan trọng của tiến trình xây dựng Nhà Quốc hội - một công trình tiêu biểu của đất nước, tượng trưng cho ý chí của nhân dân, được xây dựng trên khu đất lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Nhà Quốc hội là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của quốc gia, nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan văn hóa của nhân dân cả nước”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương tinh thần “ra quân” một cách chủ động, tích cực đầu xuân năm mới của Ngành Xây dựng, UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan, cũng như BQLDA đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), qua đó phản ánh ý thức nghiêm túc trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Chính phủ đối với công trình này. Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt đánh giá cao vai trò trách nhiệm của Bộ Xây dựng: “Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Nhà Quốc hội, chỉ đạo BQLDA, nhà thầu tư vấn thiết kế tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học nhằm hoàn thiện thiết kế kiến trúc, nội thất đảm bảo công năng sử dụng...”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, việc phát động Chiến dịch thi đua 330 ngày đêm hoàn thành các mục tiêu tiến độ năm 2012 công trình Nhà Quốc hội là sáng kiến, và cũng là quyết tâm cao độ của lãnh đạo Bộ Xây dựng đối với dự án đặc biệt quan trọng này.

Các nhà thầu, giám sát trên công trường đã tổ chức ký kết giao ước Thi đua về tiến độ, chất lượng thi công dự án. Đại diện các Tập đoàn, nhà thầu đều bày tỏ nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của công trình, do đó ngay từ những ngày đầu tháng đầu của Xuân mới đã tập trung đủ lực lượng xe máy thiết bị hiện đại, đặc chủng, đồng bộ, công nghệ thi công tiên tiến nhất cùng đội ngũ CBCN lành nghề.

Những “siêu cột” bê tông kích thước lớn - hệ cột trụ chịu lực chính của công trình Nhà Quốc hội bắt đầu vươn cao trong Niềm kiêu hãnh của những người thợ Xây dựng Việt Nam. Hệ bê tông dầm sàn của phần ngầm cũng đã khởi hiện rõ dần dáng vóc của nó, nơi đặt nền móng trong tương lai của một công trình quan trọng bậc nhất trong thời điểm này tại “địa chỉ đỏ” lịch sử của đất nước.

Dự án công trình Nhà Quốc hội gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, với chiều cao khoảng 30m. Tổng diện tích sàn 5 tầng nổi là hơn 36.500m2, tổng diện tích hai tầng hầm khoảng 20.700m2. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trụ sở của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là điểm nhấn quan trọng thuộc quần thể văn hóa khu vực Ba Đình lịch sử.
 
Nguồn: Báo Xây dựng điện tử
 

Các tin khác