Mạng Kiểm định xây dựng Việt Nam: Phải thay đổi cả lượng lẫn chất
Hiện nay, hoạt động kiểm định và chứng nhận sự phù hợp trong xây dựng được xem là những hoạt động xây dựng có điều kiện. Sự công nhận này đã được thể chế hóa cụ thể thông qua những văn bản của Thủ tướng Chính phủ, chứng tỏ không chỉ có những nhà chuyên môn quan tâm mà cả xã hội đã nhận thức được vai trò quan trọng và tính chất đặc thù đòi hỏi phải có chuyên môn cao trong hoạt động này.  
Cần sự quản lý của Nhà nước Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham gia Hội thảo khoa học của Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam lần thứ 6, diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 6 và 7/3. TS Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng 740 phòng thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng được công nhận dưới ký hiệu LAS XD, 2 phòng hiệu chuẩn thiết bị, 71 tổ chức kiểm định/giám định, 60 tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Trong số này có rất nhiều tổ chức chưa được kiểm tra, cấp phép trước khi đưa vào hoạt động, hệ thống này đã phủ kín tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Do nhu cầu thực tế, tính chất của các tổ chức này đã được xã hội hóa và trở thành hoạt động dịch vụ kỹ thuật có hàm lượng chuyên môn cao, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư. Cũng theo TS Lê Quang Hùng, các tổ chức này hoạt động thêm nhiều lĩnh vực như tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án… Công tác thí nghiệm chỉ tập trung vào các chỉ tiêu cơ lý của VLXD mà chưa thực hiện phép thử đối với VLXD và sản phẩm xây dựng. Nhìn lại thời gian qua, vai trò của Kiểm định chất lượng công trình xây dựng rất quan trọng và cần thiết. Không ít công trình gặp sự cố ngay khi đang thi công, hoặc chưa nghiệm thu đã phải tiến hành bảo dưỡng. Hơn nữa khi đưa vào sử dụng thì xảy ra sự cố, gây ra những thiệt hại lớn về người và của, mà tiêu biểu là công trình cầu Cần Thơ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cũng thừa nhận: “Sự kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động Kiểm định chất lượng công trình xây dựng còn chưa thực sự chặt chẽ, chưa thực hiện thường xuyên việc kiểm tra định kỳ. Kết quả của hoạt động kiểm định/giám định chứng nhận sự phù hợp mới được công nhận về mặt pháp lý”. Hoàn thiện hơn hoạt động kiểm định Để có được sự hoàn thiện, cần thiết phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía. Nhà nước trở thành “nhạc trưởng”, bằng sự nhìn nhận đúng đắn và phù hợp các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này sẽ có hướng đi và phát triển đúng đắn. Trước sự phát triển nhanh của các tổ chức Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Nhà nước thông qua các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh năng lực của các tổ chức này nhằm đánh giá chính xác và phù hợp về chất lượng xây dựng. Có biện pháp kiểm soát thông tin, có chế tài cụ thể để xử lý những vi phạm. Nhà nước tăng cường kiểm tra sẽ ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo môi trường hoạt động công bằng và ổn định đối với mỗi tổ chức. Đó là những kiến nghị của các đại biểu đã nêu ra tại hội thảo. Trả lời vấn đề này, ông Phạm Thế Hùng - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trong năm 2008, Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra ở một số đơn vị LAS-XD ở TP.HCM và Bắc Ninh. Qua đó cho thấy cần phải củng cố lại tổ chức hoạt động thí nghiệm, đặc biệt ở khâu quản lý cán bộ, nhân viên. Có hiện tượng mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ dẫn tới không hợp tác, xuất hiện thư nặc danh tố cáo, khiếu nại. Đây là những tiền lệ xấu, cần được loại bỏ. Bộ sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian tới nhằm quán triệt tinh thần quy chế mới để có sự phối hợp, giám sát được tốt hơn giữa các cơ quan quản lý và các phòng LAS-XD”. Nhằm tránh tình trạng phải làm đi làm lại một công đoạn, gây mất thời gian, nhân lực và vật chất, ông Đởm Đình Bảo (Sở Xây dựng An Giang) kiến nghị: “Nhà nước cần tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng trước và trong khi thi công công trình. Cần tạo ra sự liên kết thông tin, kết nối giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp với nhau và của các tổ chức này với các chủ thể khác tham gia hoạt động xây dựng”. Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cũng cho biết: “Quá trình hội nhập toàn cầu, vấn đề tạo ra sự thừa nhận lẫn nhau và đẩy mạnh trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn với các tổ chức có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Đối với lĩnh vực này, Cục Giám định đã tiếp xúc với một số tổ chức như Hiệp hội Kỹ sư Malaisia (IEM) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để xúc tiến triển khai những việc này”. Với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, ngày càng nhiều công trình xây dựng có quy mô lớn, áp dụng những công nghệ tiên tiến. Vì vậy, vai trò của hoạt động đánh giá phù hợp về chất lượng xây dựng càng trở nên quan trọng hơn. Xác định được trách nhiệm của mình, các thành viên Mạng Kiểm định sẽ phải làm mới mình, phải thay đổi cả về lượng và chất.
(Theo Báo Xây dựng)
 

Các tin khác